HỘI NGHỊ Triển khai kế hoạch phát triển ngành hàng cá tra năm 2022

        Sáng ngày 25/02/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ tổ chức Hội nghị “Triển khai kế hoạch phát triển ngành hàng cá tra năm 2022” tại thành phố Cần Thơ với sự tham dự của hơn 100 đại biểu.Các đại biểu tham dự Hội nghị bao gồm: Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì Hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân, Cục Thú y, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản,đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, Viện Nghiên cứu NTTS II, Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Hội nghề cá Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản, Hiệp hội cá tra Việt Nam, các doanh nghiệp nuôi cá tra (Vĩnh Hoàn, Hùng Cá, Caseamex, Nha Trang seafood,…), các cơ sở sản xuất giống cá tra ở các tỉnh vùng ĐBSCL và các cơ quan thông tấn báo chí.

     

Hình: Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển ngành hàng cá tra năm 2022

       Tại Hội nghị, đại diện Tổng cục Thủy sản báo cáo kết quả sản xuất, tiêu thụ cá tra năm 2021 và định hướng phát triển năm 2022. Kết quả sản xuất nuôi trồng thủy sản năm 2021 vẫn duy trì tăng trưởng. Sản lượng nuôi trồng thủy sản cả năm đạt 4,81 triệu tấn, tăng 1,1 %so với năm 2020, trong đó sản lượng cá tra đạt 1,52 triệu tấn, tăng 1,63% so với cùngkỳ năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1,62 tỷ USD tăng 8,4% so với cùng kỳnăm trước. Đây cú lội ngược dòng ngoạn mục của ngành hàng cá trong năm 2021 trước tác động của đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế toàn cầu.Hiện nay, giá cá tra thương phẩm đang ở mức 29.500-30.000 đ/kg, tăng 4.000-5.000đ/kg so với các tháng cuối năm 2021.Giá cá tra nguyên liệu tăng là tiền đề quantrọng để phát triển sản xuất, tiêu thụ trong năm 2022 nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủiro về sự phát triển ổn định của ngành hàng.

        Năm 2022, dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng trở lại sau khi chiến lược tiêm vacin cho toàn dân được thực hiện và dịch Covid-19 được kiểm soát. Nhu cầu thế giới đối với các mặt hàng thủy sản gia tăng sẽ là động lực thúc đẩy sản xuất phục hồi và tăng trưởng. Tuy nhiên tăng trưởng nóng sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây mất cân đối cung cầu và khả năng bùng phát những vấn đề về môi trường, dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản.Vì vậy cần có những giảipháp để khắc phục khó khăn, phát triển ngành hàng cá tra hiệu quả và bền vững.

        Năm 2021, tình hình dịch bệnh trên cá tra giảm so với cùng kỳ, dịch bệnh xảy ra 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp (có báo cáo dịch bệnh). Một số bệnh chủ yếu như: bệnh xuất huyết 386 ha (77%); bệnh Gan thận mủ 47 ha; bệnh ký sinh trùng: 73,5 ha.Hai mầm bệnh có chiều hướng lưu hành gia tăng mạnh: bệnh gan thận mũ tăng 2,5 lần; bệnh Xuất huyết tăng 3,5 lần.  Trong năm 2022, các địa phương xây dựng và triển khai KH giám sát dịch bệnh trên cá tra trong năm 2022 theo Quyết định 434/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

        Hiện nay cả nước có gần 120 cơ sở chế biến xuất khẩu cá tra với tổng công suất thiết kế ước đạt 1,8 triệu tấn nguyên liệu/năm, hầu hết các cơ sở nằm ở vùng ĐBSCL. Theo báo cáo kết quả xuất khẩu cá tra của VASEP, năm 2021 xuất khẩu cá tra cán đích 1,6 tỷ USD tăng 8,4% so với năm 2020, xuất khẩu sang 133 thị trường, đóng góp 18% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Ngành cá tra trải qua 1 năm đầy thử thách khi nhu cầu thị trường phục hồi nhưng do bùng dịch bùng phát quá nhanh và mạnh khiến hoạt động sản xuất xuất khẩu không chỉ bị sụt giảm mà phải ngừng trệ. Tuy nhiên khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát các doanh nghiệp tăng tốc sản xuất với mức tăng trưởng ấn tượng của quý IV là 20%. Thị trường nhập khẩu phục hồi, tăng trưởng tốt: Nhóm 4 thị trường chính là Trung Quốc (31%); Mỹ (23%); CPTPP (13%) và EU (6.6%) chiếm 73,6% đều có khả năng tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022.Xuất khẩu cá tra năm 2022 dự báo tăng 20-22% so năm 2021.

        Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ngoài việc ghi nhận những kiến nghị của đại diện Sở NN – PTNT các tỉnh, thành và doanh nghiệp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lưu ý: “Để ngành hàng cá tra đạt kết quả tốt trong năm 2022, Tổng Cục Thuỷ sản và các cơ quan chức năng liên quan thuộc Bộ cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đánh giá đúng thực trạng, kịp thời đưa ra các giải pháp khắc phục khó khăn để phát triển ngành hàng cá tra hiệu quả bền vững.”

         Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản Trần Đình Luân nêu những biện pháp trọng tâm để phát triển ngành hàng cá tra như sau:

        Tiếp tục triển khác các đề án, nhiệm vụ nâng cao chất lượng giống cá tra phục vụ nuôi thương phẩm; chỉ đạo sản xuất cung ứng đủ con giống chất lượng cao để nâng cao hiệp quả, hạ giá thành sản xuất.  Các địa phương đẩy mạnh hợp tác, liên kết chuỗi đối với các cơ sở nuôi nhỏ lẻ để đảm bảo ổn định sản xuất. Các tỉnh ĐBSCL tiếp tục triển khai Đề án “Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, tiếp tục hoàn thiện và vận hành tốt chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp trên địa bàn tỉnh An Giang.

        Thực hiện tốt việc hướng dẫn cơ sở nuôi sử dụng hóa chất, kháng sinh phù hợp trong nuôi cá tra và kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường để ứng phó nhanh; đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu của các quốc gia nhập khẩu để sẵn sàng xuất khẩu ngay khi có thời cơ. Đa dạng hóa sản phẩm theo hướng sản xuất sản phẩm tiện lợi cho tiêu dùng, theo từng phân khúc thị trường. Đẩy mạnh hoạt động giao dịch điện tử trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

        Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử đối với chuỗi xuất khẩu – nhà máy chế biến – cơ sở nuôi, ao nuôi đã được cấp mã số nhằm minh bạch thông tin. Tìm kiếm thị trưởng mới, chuyển hướng thị trường xuất khẩu thay vì tập trung vào một số thị trường chính, xây dựng thương hiệu cho cá tra Việt Nam, tiếp tục khắc phục các rào cản kỹ thuật và tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại, phát triển thị trường./.

Nguyễn Thị Thúy An – Bộ phận Nuôi trồng thủy sản

You may also like...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *