Kinh nghiệm nuôi cá Lóc ít gù lưng

Thời gian gần đây, do giá cả các loại cá tạp làm thức ăn nuôi cá tăng cao, nên đa số nông dân thường sử dụng thức ăn công nghiệp để nuôi cá lóc. Hiện tại trên thị trường chưa có loại thức ăn công nghiệp chuyên dùng cho nuôi cá lóc, nhưng vì cá lóc là loài ăn thức ăn thiên về động vật, nên nông dân thường mua loại thức ăn có hàm lượng đạm khoảng 40% cho cá lóc ăn, hy vọng đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng cho cá.

– Theo kinh nghiệm của nông dân An Giang, nuôi cá lóc ở giai đoạn giống thì sử dụng thức ăn viên công nghiệp có độ đạm khoảng 43%, sau hai tháng thì hàm lượng đạm giảm dần. Cá được 3 – 4 tháng tuổi thì cho cá ăn thức ăn có độ đạm chừng 40% là cũng đủ cho sinh trưởng và phát triển.

– Về tình trạng gù lưng của cá ló, bệnh gù lưng không chỉ xảy ra ở cá lóc nuôi bằng thức ăn công nghiệp, mà ngay cả đối với cá lóc được cho ăn chỉ toàn là cá tươi sống cũng mắc phải dị tật nầy. Theo dân gian, bệnh gù lưng cá lóc thường thể hiện ở hai dạng, dạng bệnh nặng thì nhìn cá rất xấu vì phần đầu cá bị gãy cúp xuống, còn dạng nhẹ hơn thì nhìn sơ trông có vẽ cá chỉ khuyết tật chút ít thôi, nhưng do bị lệch cột sống cho nên khi để trong thau chậu nó chỉ nằm nghiêng một bên. Đối với cả hai dạng bệnh gù lưng như trên đều bị loại và đưa vào dạng cá dạt, tức giá mua tối đa chỉ chừng 50% so với giá mua cá bình thường. Cũng theo ý kiến chuyên môn, cá bị gù lưng dạng nặng là do trong khẩu phần ăn của cá bị thiếu khoáng chất. Còn cá bị gù lưng dạng nhẹ là do cá bị bệnh.

– Về dạng cá bị gù lưng do bệnh, có ý kiến nhận định là do trong quá trình nuôi cá thường xuyên bị bệnh, nên sức đề kháng giảm. Quá trình trộn thuốc cho cá ăn tức là đưa một lượng lớn hóa chất vào cơ thể cá để diệt mầm bệnh. Do đó cá đã phải dùng rất nhiều lực để chịu đựng. Năng lượng mất đi một cách quá đột xuất, có lẽ đã tạo ra sự co rút của cơ và xương, dẫn đến cá bị gù lưng.

– Còn đối với dạng cá lóc bị gù lưng do thiếu dưỡng chất, theo anh Huỳnh Thanh Nhuần (Chủ cơ sở sản xuất cá lóc giống, ấp Cần Thuận, xã Cần Đăng, huyện Châu Thành, điện thoại 0919 848 515), cá lóc nuôi bằng thức ăn công nghiệp, tuy hàm lượng đạm có đầy đủ, nhưng có thể vẫn còn thiếu nhiều loại khoáng chất thiết yếu và vitamin, đặc biệt là vitamin C. Nếu cung cấp đầy đủ khoáng chất và vitamin C cho cá thì hiện tượng gù lưng trong tổng đàn là không đáng kể.

– Để chứng minh cho điều nhận định trên, anh Nhuần đã tóm tắt kết quả thử nghiệm về tỷ lệ gù lưng trên cá lóc khi cho cá ăn hai loại thức ăn khác nhau, thức ăn công nghiệp và cá tươi sống, do trường Đại học Cần Thơ phối hợp với cơ sở sản xuất cá lóc giống Sáu Nhuần thực hiện vào tháng 7/2010. Thử nghiệm được bố trí theo 6 vèo, 3 vèo cho ăn thức ăn công nghiệp và 3 vèo đối chứng cho ăn cá tươi sống. Chế độ chăm sóc và chất lượng môi trường nước như nhau. Số lượng cá lóc giống thả là 2.800 con/vèo, cỡ cá 300 con/kg, mật độ thả 80 con/m2. Sau 5 tháng nuôi, tốc độ tăng trưởng của cá nuôi trong lô thí nghiệm và đối chứng là như nhau, nhưng tỷ lệ gù lưng của 3 vèo cá lóc cho ăn thức ăn công nghịệp lại chiếm khoảng 20%, tỷ lệ gù lưng của 3 vèo cá cho ăn cá tươi sống chỉ khoảng 3%.

– Tỷ lệ cá gù lưng hơn 20% thật sự đã làm giảm đáng kể hiệu quả nuôi. Qua quan sát các lô thí nghiệm, qua trao đổi với những nhà chuyên môn, cộng với kinh nghiệm 20 năm nuôi cá, anh Nhuần chợt nhận ra rằng cần phải bổ sung thêm vitamin C và khoáng chất vào khẩu phần ăn hằng ngày cho cá, liều lượng và cách dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất đã ghi trên bao bì. Kết quả thật tốt đẹp, sử dụng premix khoáng trộn vào chung với thức ăn công nghiệp cho cá ăn liên tục thì hiện tượng gù lưng của cá lóc hầu như không còn đáng kể.

– Như vậy, khi nuôi cá lóc bằng thức ăn công nghiệp, nếu chúng ta trộn thêm premix khoáng vào trong khẩu phần ăn cho cá thì sẽ hạn chế được bênh gù lưng.

Kinh nghiệm nuôi cá lóc ít gù lưng, Nguồn: Ks. Kim Kiều – Trung tâm Khuyến nông An Giang.

LÂM PHÚC NHÂN

Tổng Ban Biên Tập

You may also like...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *