XỬ PHẠT VỀ KIỂM SOÁT LOÀI NGOẠI LAI XÂM HẠI

        Loài ngoại lai xâm hại là loài ngoại lai lấn chiếm nơi sinh sống hoặc gây hại đối với các loài sinh vật bản địa, làm mất cân bằng sinh thái tại nơi chúng sinh sống và phát triển được nêu trong Luật Đa dạng sinh học năm 2008. Về tiêu chí xác định loài ngoại lai xâm hại và danh mục loài ngoại lai xâm hại được quy định tại Thông tư số 35/2018/TT-BTNMT ngày 28/12/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cụ thể:

                       Hình: loài ngoại lai xâm hại

       – Loài ngoại lai xâm hại là loài ngoại lai đáp ứng một trong các tiêu chí sau:

       + Đang lấn chiếm nơi sinh sống, cạnh tranh thức ăn hoặc gây hại đối với các sinh vật bản địa, phát tán mạnh hoặc gây mất cân bằng sinh thái tại nơi chúng xuất hiện và phát triển ở Việt Nam;

        + Được đánh giá là có nguy cơ xâm hại cao đối với đa dạng sinh học và được ghi nhận là xâm hại ở khu vực có khí hậu tương đồng với Việt Nam hoặc qua khảo nghiệm, thử nghiệm có biểu hiện xâm hại.

        – Danh mục loài ngoại lai xâm hại(lĩnh vực thủy sản) gồm: ốc bươu vàng (Pomacea canaliculata), ốc sên châu Phi (Achatina fulica), tôm càng đỏ (Cherax quadricaritatus), cá ăn muỗi (Gambusia affinis), cá tỳ bà bé (Hypostomus plecostomus), cá tỳ bà lớn (Pterygoplichthys pardalis, Pterygoplichthys multiradiatus, Pterygoplichthys disjunctivus, Pterygoplichthys anisitsi), rùa tai đỏ (Trachemys scripta).

        Các hành vi vi phạm quy định về kiểm soát loài ngoại lai xâm hại thì chế tài xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, có hiệu lực kể từ ngày 25/8/2022, cụ thể như sau:

        – Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi nuôi, lưu giữ, vận chuyển, trồng, cấy loài ngoại lai xâm hại ngoài phạm vi khu bảo tồn không vì mục đích thương mại, trong trường hợp kiểm soát được sự phát triển, lây lan của chúng và chưa gây ra thiệt hại.

         – Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi nuôi, lưu giữ, vận chuyển, trồng, cấy loài ngoại lai xâm hại ngoài phạm vi khu bảo tồn vì mục đích thương mại, trong trường hợp kiểm soát được sự phát triển, lây lan của chúng và chưa gây ra thiệt hại.

       – Hành vi nuôi, lưu giữ, vận chuyển, trồng, cấy loài ngoại lai xâm hại ngoài phạm vi khu bảo tồn bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 640.000.000 đồngđối với hành vi gây thiệt hại trị giá đến dưới 10.000.000 đồngđến dưới 150.000.000 đồng.

         – Hành vi nhập khẩu loài động vậtngoại lai xâm hại bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với tang vật vi phạm trị giá dưới 10.000.000 đồngđến dưới 250.000.000 đồng.

         Bên cạnh đó, còn xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy toàn bộ loài ngoại lai xâm hại; buộc khôi phục lại trạng thái ban đầu; đối với hành vi nhập khẩu loài động vật ngoại lai xâm hại buộc tái xuất toàn bộ loài ngoại lai xâm hại nhập khẩu trái phép ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam,trường hợp không thể tái xuất được thì buộc tiêu hủy toàn bộ loài ngoại lai xâm hại nhập khẩu trái phép.

        Điều đáng chú ý là Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 quy định phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi nuôi, lưu giữ, vận chuyển, trồng, cấy loài ngoại lai xâm hại ngoài phạm vi khu bảo tồn không vì mục đích thương mại, trong trường hợp kiểm soát được sự phát triển, lây lan của chúng và chưa gây ra thiệt hại, so với Nghị định trước đây chỉ phạt cảnh cáo đối với hành vi vi phạm này.

Lê Hồng Thắng – Bộ phận Thanh tra, pháp chế

You may also like...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *