I. Đặc điểm sinh học cá tai tượng 1. Phân loại cá tai tượng Ngành: Chordata Lớp: Actinopterygii Bộ: Perciformes Họ: Osphronemidae Giống: Osphronemus Loài: Osphronemus goramy Lacepede, 1801
2. Phân bố và thích nghi – Cá tai tượng là loài cá vùng nhiệt đới. Cá phân bố chủ yếu ở Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Việt Nam. Hiện tại cá đang là đối tượng nuôi phổ biến ở miền Nam Việt Nam.
– Cá Tai tượng là loài cá có khả năng thích nghi với điều kiện khắc nghiệt của môi trường. Chúng sống được trong môi trường nước ao thiếu oxy nhờ cơ quan hô hấp phụ nằm ở cung mang thứ nhất. Hơn nữa cá còn có thể sống trong nước có độ pH bằng 4, nước có nồng độ muối thấp 6 – 8‰, chúng có thể sống được trong điều kiện nhiệt độ nước dao động từ 16 – 42oC. Tuy nhiên cá sinh trưởng và phát triển tốt ở nhiệt độ nước 22 – 30oC, ở nhiệt độ thấp hơn cá thường hay bị bệnh. So với cá sặc rằn và rô phi thì khả năng chịu lạnh của cá tai tượng kém hơn, nhưng sức chịu nóng lại cao hơn.
3. Đặc điểm dinh dưỡng Cá Tai tượng thuộc nhóm cá ăn tạp thiên về thực vật. Cá bột dinh dưỡng bằng noãn hoàng với thời gian khá dài từ 7 – 10 ngày. Thức ăn đầu tiên của cá bột là động vật phù du cỡ nhỏ và vừa như: Moina, Daphnia, Cyslops do kích thước cá bột tương đối lớn. Sau hai tuần tuổi, cá đã ăn được trùn chỉ, lăn quăng, sâu bọ, bèo cám… Đến một tháng tuổi cá tai tượng bắt đầu chuyển sang ăn tạp nhưng thiên về động vật 84,7% và càng về sau chúng chuyển sang ăn thực vật là chính chiếm 87,5%. Khi trưởng thành cá tai tượng ăn được hầu hết các loại rau, thực vật thủy sinh và cả những phụ phẩm khác.
4. Đặc điểm sinh trưởng Cá Tai tượng là loài có kích thước lớn, cỡ lớn nhất được biết là 50 kg, dài 1,8m. Tuy vậy, chúng là loài sinh trưởng chậm. Trong ao nuôi được cung cấp thức ăn đầy đủ với mật độ nuôi thưa cá có thể tăng trọng 800 – 1.200 gram/năm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, cá thường có tốc độ lớn nhanh ở năm thứ 2, cá 2 năm tuổi đạt 2,5 kg/con.
5. Đặc điểm sinh sản – Trong điều kiện nuôi vỗ tốt, cá tai tượng phát dục sau 1,5 – 2 năm tuổi, khối lượng cá nhỏ có thể tham gia sinh sản là 500 gam. Cá sinh sản tốt khi đạt trọng lượng từ 1 – 1,5 kg, cá được 3 – 5 năm tuổi. Cá cái cỡ 1,5 – 2 kg/con mỗi lần sinh sản dao động từ 3.000 – 5.000 trứng.
– Mùa vụ sinh sản của cá tập trung từ tháng 2 – 5, cá giảm đẻ từ tháng 6 trở đi. Tuy nhiên, nếu chăm sóc tốt, môi trường nước sạch, mật độ nuôi vừa phải, mùa sinh sản sẽ sớm hơn và kéo dài hơn. Mùa vụ sinh sản cá phụ thuộc vào thời gian tiến hành nuôi vỗ và chế độ nuôi vỗ.
II. Kỹ thuật sinh sản cá tai tượng 1. Nuôi vỗ cá bố mẹ – Thời gian nuôi vỗ: Từ tháng 10 – 11 âm lịch năm trước.
– Ao sử dụng nuôi vỗ và cho sinh sản có diện tích lớn từ 200 – 500 m2 tùy điều kiện từng hộ, độ sâu từ 1 – 1,5 m, độ trong từ 15 – 20 cm, pH dao động trong khoảng từ 6 – 8.
– Ao được thay nước thường xuyên tạo điều kiện sinh thái thích hợp, kích thích quá trình sinh sản của cá.
– Mật độ nuôi vỗ từ 0,5 – 0,7 kg/m2, tỷ lệ đực/cái là 1:3 hay 1/1.
– Thức ăn nuôi vỗ: Cá tai tượng là loài cá ăn tạp thiên về thực vật nên thức ăn sử dụng nuôi vỗ cá thức ăn viên có hàm lượng đạm dao động từ 26 – 28%, với liều lượng 1 – 1,5% trọng lượng đàn.
– Cần phải tẩy dọn ao trước khi thả cá để diệt địch hại và cá tạp.
2. Thức ăn nuôi vỗ – Thức ăn nuôi vỗ đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định sự thành thục của cá. Do cá có tập tính ăn tạp nên có thể sử dụng được nhiều loại thức ăn để nuôi vỗ cá tai tượng: thức ăn tự chế: rau xanh, bèo (30%) kết hợp cám cùng bột cá nấu chín (70%) và thức ăn công nghiệp dạng viên nổi.
– Cần làm sàn ăn để theo dõi hoạt động ăn của cá để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. + Sàn chìm (đối với thức ăn tự chế): số lượng sàng phụ thuộc vào diện tích ao nuôi, trung bình 2 sàn/100 m2, đặt sàn ở độ sâu 40 – 50 cm so với mặt nước để giữ thức ăn khi cho cá ăn nhằm kiểm soát lượng thức ăn cho tránh việc cho ăn dư thừa gây ô nhiễm nguồn nước, dơ ao. + Khung nổi (đối với thức ăn viên nổi): cần bố trí khung thức ăn nổi để kiểm soát lượng thức ăn trong quá trình nuôi vỗ, diện tích khung 2 – 3 m2/khung/100 m2.
3. Cá bố mẹ – Cá bố mẹ có thể nuôi chung hoặc nuôi riêng. Hình thức nuôi chung đực cái được áp dụng rộng rãi và phổ biến hơn vì nó tận dụng được diện tích mặt nước, giảm chi phí đánh bắt và chọn lựa cá. Tỷ lệ đực : cái là 1 : 1 hoặc 2 : 3.
– Cá chọn nuôi phải là cá khỏe mạnh, vẩy đều, láng bóng, cá phải đồng cở về kích thước và về lứa tuổi. Cá tham gia sinh sản tốt phải đạt trên 3 năm tuổi, trọng lượng từ 1,5 – 2 kg/con. Khi cá chưa thành thục (cá còn nhỏ) rất khó phân biệt đực, cái. Khi trưởng thành có thể dựa vào một số đặc điểm như sau:
– Cá bố mẹ tốt phải đạt các yêu cầu sau: + Cá đực: Môi và trán có màu hồng do nhiều mạch máu phân bố, bụng màu vàng nhạt, lổ sinh dục có màu phớt hồng (vuốt nhẹ có sẹ trắng chảy ra). + Cá cái: Bụng hơi to, lổ sinh dục lồi màu hồng, trứng tròn, đều, rời và có màu vàng cam.
4. Cho cá sinh sản – Vật liệu làm tổ là một yêu cầu sinh thái không thể thiếu đối với cá tai tượng khi sinh sản, các vật liệu phải đãm bảo các chỉ tiêu kỹ thuật sau:
+ Tổ cá: được làm bằng tre, có chiều dài 70 – 90 cm, phần chính dài 40 – 50 cm, đường kính miệng tổ 25 – 30 cm. Đặt tổ chúc xuống một góc 15 – 20o và cách mặt nước 15 – 20 cm. + Xơ: được làm từ xơ dừa hay xơ mo cau, xơ bao cọng lá dừa và được xé tơi, làm sạch, cắt thành đoạn dài 20 – 30 cm để cá dễ sử dụng. Xơ được rải đều trên thanh tre hoặc dây vắt ngang mặt nước gần khung tổ để cá dể dàng kéo khi bắt cặp xây tổ. Số tổ bằng 1/2 – 2/3 số cá cái, khoảng cách giũa các tổ là 2 – 3 m.
– Ngoài ra, ta có thể cho cá đẻ riêng từng cặp trong bể xi măng, đạt năng suất cao hơn nhưng chi phí đầu tư cao.
– Cá thường đẻ tập trung vào buổi chiều, sau khi lót lớp xơ đầu tiên, cặp cá bố mẹ bắt đầu đẻ và phóng tinh, trứng nổi lên và mắc kẹt phía dưới lớp xơ, lớp trứng đầu tiên được đẻ xong thì cá lại kéo lớp xơ khác phủ lên lớp trứng rồi đẻ tiếp, cứ 1 lớp xơ 1 lớp trứng đến khi cá phủ lớp xơ cuối cùng là 1 – 3 giờ, mỗi tổ thường có 4 – 6 lớp trứng và xơ nhưng có khi lên đến 19 lớp. Số lớp trứng và xơ tùy vào kích cỡ cá và lượng trứng cá cái.
– Cách thu trứng: + Cách nhận biết cá đã sinh sản: Khi cá sinh sản xong thì miệng tổ được lấp kín bằng xơ, trên mặt nước gần tổ có những giọt dầu hoặc những hạt trứng màu vàng cam rơi khỏi tổ nổi trên mặt nước, nếu váng dầu quá nhiều là dấu hiệu của trứng hư, cá bố mẹ canh giữ tổ và quạt nước cho trứng trong tổ. + Nên thăm tổ cá vào lúc sáng sớm hay chiều mát, tránh thăm tổ vào buổi trưa nắng sẻ ảnh hưởng đến hoạt động làm tổ và sinh sản của cá. Thường mỗi ngày thăm tổ một lần để thu trứng kịp thời khi cá đã đẻ xong. + Khi thu trứng cần thao tác nhẹ nhàng vớt tổ trứng lên đặt tổ ngập trong thau nước, lấy từng lớp xơ ra, trứng thoát khỏi tổ nổi trên mặt nước, vớt trứng chuyển sang thau nước sạch khác đưa vào dụng cụ ấp.
5. Ấp trứng – Dụng cụ ấp trứng cá Tai tượng có thể là thau, chậu, bể nhựa, bể xi măng có diện tích nhỏ.
– Mật độ ấp 50 – 80 trứng/lít, thay nước ít nhất 1 lần/ngày, nếu có sục khí liên tục có thể ấp 25.000 – 50.000 trứng/m3.
– Nơi ấp phải thoáng mát, nhiệt độ nước thích hợp từ 25 – 30o C, pH dao động từ 6 – 7,5, hàm lượng oxy hòa tan từ 3,5 – 4 mg/lít.
– Để các thau trứng nơi mát, tránh ánh nắng chiếu trực tiếp vào thau, trong quá trình ấp vớt bỏ những trứng hư có màu trắng đục, thay 80 – 100% nước mỗi ngày/lần, sau 36 – 48 giờ trứng nở.
– Sau khi nở, cá bột dinh dưỡng bằng noãn hoàng 7 – 10 ngày. Cần thay nước mỗi ngày. Sau khi nở 7 – 10 ngày, cá bột được chuyển sang bể hoặc ao ương.
III. Kỹ thuật ương cá bột 1. Ương trong bể xi măng hoặc lót bạt – Bể ương cá bột hình chữ nhật, diện tích 4 – 10 m2, mực nước 0,5 – 0,6m, có mái che.
– Mật độ ương: 1.000 – 1.500 con/m2.
– Thức ăn cho cá là các loại phiêu sinh động vật như: Moina (trứng nước) 1 lon sữa bò/10.000 cá bột/ ngày, trùn chỉ.
– Khi cá được 2 tuần tuổi có thể tập cho cá ăn thức ăn công nghiệp. Trong giai đoạn đầu do cá chưa quen với thức ăn công nghiệp cần trộn một ít trùn chỉ cùng với thức ăn, cho cá ăn theo nhu cầu.
– Kiểm tra ao hằng ngày để có biện pháp xử lý kịp thời.
– Ương trong bể có tỷ lệ sống cao nhưng phải thay nước và xi-phông đáy, thường xuyên vớt thức ăn dư thừa và những con cá bị chết, loại bỏ cá yếu. Sau khi ương khoảng 2 tháng cần chuyển cá xuống ao để nuôi cá thịt.
– Định kỳ nên bổ sung Vitamin C vào thức ăn cho cá để tăng sức đề kháng và phòng bệnh cho cá.
2. Ương cá trong ao a) Chuẩn bị ao ương: – Cá tai tượng có thể được ương ở ao hoặc ruộng, diện tích từ 500 – 5.000 m2.
– Mức nước: 0,4 – 1,2m.
– Cá con nhỏ hoạt động chậm chạp, nên khâu cải tạo ao rất quan trọng ao phải được cải tạo kỹ trước khi tiến hành thả giống.
b) Quy trình cải tạo ao: – Diện tích ao ương tùy thuộc vào diện tích có sẵn của nông hộ, tốt nhất từ 500 – 1.000 m2. Ao có dạng hình chữ nhật có chiều dài gấp 2 – 3 lần chiều rộng, độ sâu khoảng 1,2 – 1,5m, đáy phẳng hơi nghiêng về phía cống.
– Dọn cỏ bờ, tát cạn nước, dùng rễ dây thuốc cá diệt cá tạp, cá dữ với liều lượng 0,2 – 0,3kg/100m2, vét bùn đáy ao, lấp kín các hang hốc, bao lưới cao 1m xung quanh bờ ao.
– Dùng vôi bột bón xung quanh bờ ao và đáy ao để cải tạo phèn, liều lượng từ 7 – 10kg/100 m2.
– Phơi đáy ao: nếu gặp trời nắng mà phơi được đáy ao vài ngày thì tốt nhất. Nhưng lưu ý là những vùng đất bị nhiễm phèn thì không nên phơi lâu.
– Gây nuôi thức ăn tự nhiên: sử dụng bột đậu nành hay bột cá để bón với liều lượng từ 2 – 3 kg/100 m2 trước khi thả cá 2 – 3 ngày.
– Lấy nước cho ao: nước cần được lọc qua lưới dày trước khi đưa vào ao để tránh tép, cá khác vào ao. Nước cấp cho ao đủ độ sâu cần thiết.
– Diệt trừ địch hại trước khi thả cá, nhất là trứng ếch nhái và bọ gạo. Để diệt trứng ếch nhái cần có sự kiên trì, tỉ mỉ, vào mỗi buổi sáng đi quanh ao vớt bỏ trứng ếch nhái. Để diệt bọ gạo, sử dụng dầu lửa 1 lít/100 m2 ao, dầu lửa được rải xuống đầu ao, phía đầu gió cho lan tràn khắp ao. Sau khi thả dầu lửa xuống ao được một ngày thì có thể thả cá bột.
3. Mật độ Ương cá với mật độ khoảng 100 – 200 cá bột/m2.
4. Cách thả giống, chăm sóc quản lý – Khi cá bột hết noãn hoàng tiến hành thả cá, thả cá lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Trước khi thả, nên ngâm túi cá trong nước khoảng 10 – 15 phút để tránh cá bị sốc nhiệt, sau đó từ từ mở miệng bao, người thả cá đi lùi về phía sau cho cá ra từ từ đến khi hết cá trong bao.
– Chăm sóc quản lý: từ ngày1 – 15, thức ăn chủ yếu là trứng nước (Monina), nên cho ăn bổ sung bột đậu nành và bột cá hoặc thức ăn đậm đặc + trứng, bón theo tỷ lệ 1 kg/1.000.000 cá bột, cho ăn 2 ngày/lần. Cách cho ăn: hoà thức ăn vào nước tạt đều khắp ao.
– Từ ngày 15 có thể sử dụng thức ăn công nghiệp cho cá ăn theo nhu cầu.
– Kiểm tra ao hằng ngày để có biện pháp xử lý kịp thời.
– Định kỳ nên bổ sung Vitamin C vào thức ăn cho cá để tăng sức đề kháng và phòng bệnh cho cá.
– Ưu điểm của việc ương cá trong ao: cá lớn nhanh, sau khoảng 1,5 tháng có thể chuyển cá sang ao để nuôi cá thịt. Tuy nhiên, tỷ lệ sống thấp hơn so với ương trong bể nhưng giảm được chi phí.
IV. Kỹ thuật nuôi cá thương phẩm 1. Chuẩn bị ao – Vị trí ao nuôi: Ao nuôi phải có nguồn nước tốt, dồi dào không bị ô nhiễm, có thể cung cấp suốt thời gian nuôi. Cải tạo ao: dọn sạch bùn, cây cỏ mục, lấp các hang cua mọi, tu sửa bờ ao có lưới chắc chắn, bờ cao hơn mực nước cao nhất 0,5m, chặt bỏ cây để không che quá 25% diện tích mặt nước.
– Có thể sử dụng mương vườn, liếp rẫy có mặt nước từ 100 đến vài ngàn mét vuông để nuôi cá. Mức nước sâu từ 1 – 2m. Sau khi đă vét bùn, bón vôi bột 10 – 15kg/100 m2 ao. Nếu c̣òn cá tạp, dùng dây thuốc cá đập dập lấy nước, rải theo tỷ lệ 4kg/100 m2 mặt nước, phơi khô 5 – 7 ngày. Cho nước vào ao khoảng 40 cm, sau 1 tuần, khi nước có màu xanh đọt lá chuối non, cho thêm nước vào tới 0,8 – 1m.
2. Thả cá và cho ăn – Cá giống: Chọn cá đều cỡ khoẻ mạnh, không bị xây xát, bị dị tật hoặc mang bệnh. Mật độ nuôi: 3 – 10 con/m2; nếu thả ghép tai tượng với cá mè trắng, cá hường thì mật độ 1 con/m2 (để tận dụng thức ăn rơi văi và làm sạch môi trường nước).
– Thức ăn cho cá: sau hơn 1 tháng ương cá tai tượng lớn thành cá giống và chuyển dần sang ăn thực vật là chính, giai đoạn đầu ta cho ăn thực vật nhỏ như: bèo cám, lá rau muống, lá mì (sắn). Cá lớn hơn ăn hầu hết các loại rau, thực vật thủy sinh, phế phẩm nhà bếp.
– Tuy là loài cá ăn tạp thiên về động vật nhưng theo kinh nghiệm của người nuôi nếu nuôi cá chủ yếu bằng thức ăn xanh: rau, bèo, cải, … cá lớn chậm (2 – 3 năm đạt trên 1 kg) so với việc nuôi cá có kết hợp giữa thức ăn công nghiệp và thức ăn xanh thì cá sẽ lớn nhanh hơn (1 năm trọng lượng trung bình đạt trên 1 kg/con). Tỷ lệ cho ăn rau chiếm khoảng 2 – 5% trọng lượng cá trong ngày.
– Cách cho cá ăn: Thời gian đầu cá còn nhỏ dùng sàng cho cá ăn, ngày 2 lần. Khi cá lớn dần ta phân đàn, rải đều thức ăn để cá lớn nhỏ đều ăn được.
3. Chăm sóc và quản lý cá nuôi – Cá tai tượng là loài cá ăn tạp thiên về thực vật. Vì vậy, cần cho ăn phù hợp nhu cầu của cá. Do vậy khi nuôi cá bằng thức ăn viên nên chọn loại thức ăn phù hợp và phải kết hợp thức ăn xanh trong suốt thời gian nuôi theo tỷ lệ cân đối nhằm cân đối dinh dưỡng cho cá nuôi, tận dụng được phụ phẩm nông nghiệp có sẵn, đồng thời rút ngắn đáng kể thời gian nuôi.
– Cần xây dựng khẩu phần ổn định cho cá, tránh thay đổi thức ăn đột ngột như có lúc chỉ cho thức ăn xanh liên tục nhiều ngày, sau đó đột ngột tăng khẩu phần thức ăn viên.
– Do thời gian nuôi kéo dài 2 – 3 năm liên tục sẽ làm môi trường ao xấu đi do thức ăn thừa và chất thải của cá tai tượng rất nhiều, ao dễ ô nhiễm nên cần áp dụng các biện pháp tổng hợp như: thả cá mật độ vừa phải, quản lý lượng thức ăn tránh để thức ăn thừa, tăng cường thay nước,…
– Ngoài ra, có thể nuôi ghép với cá sặc rằn, cá hường với mật độ hợp lý nhằm cải thiện môi trường nuôi.
– Hàng ngày kiểm tra hoạt động của cá để xử lư kịp thời, kiểm tra bọng bờ, chống trộm cá.
4. Thu hoạch cá Chặn từng khúc mương hoặc từng phần ao, kéo lưới nhẹ nhàng, bắt cá bằng vợt, cho cá vào thùng chứa nước hay cho vào vèo (giai) chứa. Tuyệt đối không để cá bị khô.
V. Phòng trừ bệnh 1. Nguyên nhân phát sinh bệnh – Nguồn nước chứa mâầm bệnh.
– Khâu cải tạo không kỹ, không tiêu diệt hết mầm móng bệnh.
– Chất lượng nước ao nuôi không đảm bảo.
– Thức ăn không sạch sẽ hay bị ôi thiu, hàm lượng dinh dưỡng không đảm bảo dẫn đến gầy yếu và mất sức đề kháng.
– Cá giống mang mầm bệnh, không khỏe mạnh hoặc bị trầy xước, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập gây bệnh.
– Nuôi với mật độ dày.
– Thời tiết thay đổi đột ngột làm cho môi trường nước thay đổi và ảnh hưởng đến sức khỏe của cá.
2. Các biện pháp phòng bệnh tổng hợp Việc phát hiện bệnh và điều trị cho cá nói chung, cá tai tượng nói riêng thường khó khăn và tốn kém, do đó vấn đề phòng bệnh là cực kỳ quan trọng. Sau đây là một số biện pháp phòng bệnh cho cá: – Cải tạo và xử lý ao kỹ trước khi thả cá.
– Chọn cá khỏe mạnh, không mang mầm bệnh, không bị sây sát.
– Thực hiện những quy định ngăn chặn lây lan dịch bệnh từ ao này sang ao khác, vùng này sang vùng khác.
– Các loại thức ăn phải được rửa sạch, nhất là thức ăn tươi sống. Không dùng thức ăn ôi thiu, mốc meo. Thức ăn dư thừa nên bỏ, không sử dụng cho ngày hôm sau.
– Điijnh kỳ thay nước ao để giữ cho môi trường nước không bị ô nhiễm. Thường xuyên theo dõi các yếu tố môi trường nước, khi thấy nước bị ô nhiễm thì phải tiến hành thay nước ngay. Mỗi lần thay khoản 1/5 – 1/3 lượng nước ao.
– Định kỳ dùng hóa chất xử lý nước ao, đáy ao.
– Phải thường xuyên theo dõi hoạt động của cá, nhất là lúc cho ăn, để sớm phát hiện bệnh và có cách điều trị kịp thời.
– Định kỳ trộn vitamin C và khoáng vào thức ăn để giúp cá tăng cường sức đề kháng.
3. Một số bệnh thường gặp a) Bệnh nhiễm khuẩn: – Tác nhân gây bệnh: do vi khuẩn nhóm Aeromonas, Pseudomonas, Streptococcus,…
– Điều kiện gây bệnh: Bệnh dễ phát sinh trong môi trường nước dễ bị nhiễm bẩn, nuôi với mật độ cao, hàm lượng oxy trong nước thấp, hàm lượng dinh dưỡng trong thức ăn thấp hoặc không cân đối.
– Triệu chứng: Dấu hiệu đầu tiên là cá kém ăn hoặc bỏ ăn. Bụng có biểu hiện sậm màu từng vùng, đuôi và vây bị hoại tử, cơ thể xuất huyết, tiết nhiều nhớt. Mắt lồi đục, nổi nghiêng hoặc lờ đờ trên mặt nước,…
– Phòng bệnh: Áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp.
– Điều trị: Dùng thuốc tím (KMnO4) tắm cho cá, liều dùng 4g/m3 1 – 2 tuần/lần. Sử dụng kháng sinh khi có sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.
b) Bệnh do virus: – Tác nhân gây bệnh: Rhabdovirus,…
– Triệu chứng: khi mới phát bệnh, cá bỏ ăn hoặc ăn ít, bơi lội lờ đờ, cơ thể xuất huyết. Sau đó, bụng chướng chứa đầy dịch, các vết lở loét ăn vào tới xương thì cá chết.
– Phòng bệnh: Giữ cho chất lượng nước luôn ổn định, kết hợp với biện pháp phòng bệnh tổng hợp.
– Điều trị: phòng là chính, không có khả năng điều trị.
c) Bệnh do ký sinh trùng: – Tác nhân gây bệnh: do trùng quả dưa, trùng mặt trời, trùng mỏ neo, nấm thủy mi, rận cá,… các loại sán lá đơn chủ 16 móc, sán lá 18 móc.
– Triệu chứng: có những đốm trắng như bông gòn, cá ngứa ngáy khó chịu, thường tập trung ở nơi có nguồn nước mới, thích cọ mình vào những cây thủy sinh ở mé ao, ban đêm thường rộ lên từng đàn.
– Phòng bệnh: vận chuyển cá giống với mật độ vừa phải, kết hợp các biện pháp phòng bệnh tổng hợp.
– Điều trị: tắm cho cá trong nước muối 2 – 3% từ 5 – 15 phút hoặc CuSO4 nồng độ 2 – 5ppm từ 5 – 15 phút hoặc phun trực tiếp CuSO4 nồng độ 0,5 – 0,7ppm xuống ao.
Kỹ thuật nuôi cá tai tượng, Nguồn: Chi cục Thủy sản Cần Thơ.
]]>