<![CDATA[]]>

Bệnh nấm nhớt trên cá rô đồng (Anabas testudineus), Nguồn: Ts. Phạm Minh Đức Khoa Thủy Sản – Đại Học Cần Thơ.

Cá rô đồng là loài cá bản địa có thịt thơm ngon, giá cao, thị trường tiêu thụ lớn,là một trong những đối tượng nước ngọt đã và đang được nuôi phổ biến ở ĐBSCL. Ưu điểm của mô hình nuôi thâm canh cá rô đồng trong ao đất là lợi nhuận cao, chủ động được nguồn giống, sử dụng thức ăn công nghiệp và phù hợp với điều kiện của nhiều hộ dân.Tuy nhiên, một trong những trở ngại thường gặp trên cá rô đồng là bệnh nấm nhớt thường xảy ra vào thời điểm cuối vụ nuôi, cá có biểu hiện lớp nhớt trắng đục (rất nhầy) bao phủ trên thân làm ảnh hưởng rất lớn đến giá trị thương phẩm và hiệu quả kinh tế của người nuôi.

1. Dấu hiệu bệnh Cá rô đồng nuôi thâm canh trong ao đất bị bệnh “nấm nhớt” thường có dấu hiệu bệnh lý là lớp nhớt trắng đục rất nhầy tập trung trên thân, vảy xù xì, đôi khi có nhiều đốm đỏ xuất hiện trên thân cá. Cá rô đồng bị bệnh nặng thì lớp nhớt phủ toàn thân làm ảnh hưởng lớn giá trị thương phẩm. Qua quan sát tiêu bản tươi phần cơ bên dưới vùng có dấu hiệu bệnh lý dễ dàng nhận thấy có sự hiện diện của bào tử nấm.

2. Phân lập vi nấm Kết quả nghiên cứu trên nhiều mẫu bệnh phẩm đã phân lập được 3 nhóm vi nấm kí sinh trên cá rô đồng bị “nấm nhớt” nuôi thâm canh trong ao đất là Fusarium, AcremoniumGeochitrum. Đây là vi nấm thuộc lớp nấm bất toàn (bậc cao) vì sợi nấm có vách ngăn ngang và sinh sản vô tính bằng bào tử. Ngược lại, những mẫu cá không có dấu hiệu bệnh thì không phân lập được vi nấm.

vi khuan nam nhot ca roĐặc điểm hình thái vi nấm phân lập trên cá rô đồng bệnh nấm nhớt. A: Nấm Fusarium; B: Nấm Acremonium; C: Nấm Geochitrum.

3. Yếu tố nguy cơ gây ra bệnh Nhìn chung, bệnh do vi nấm trên cá thường xẩy ra khi nhiệt độ nước trong ao nuôithấp hoặc thời tiết thay đổi (giao mùa hoặc trở lạnh). Đặc biệt bệnh thường bộc phát khi chất lượng nước trong ao nuôi giảm hay nhiễm bẩn, mật độ cá nuôi quá dầy, cách chăm sóc và quản lý thức ăn hoặc chất lượng thức ăn chưa tốt.

4. Phương pháp phòng bệnh Phòng bệnh là giải pháp tối ưu cho việc thâm canh trong nuôi trồng thủy sản. Muốn phòng bệnh hiệu quả người nuôi cá rô đồng phải hiểu rõ những yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến bệnh bộc phát từ đó làm căn cứ cho việc phòng bệnh hiệu quả hơn. Một số giải pháp cần thực hiện cho việc phòng bệnh nuôi thâm canh cá rô đồng: – Chuẩn bị ao nuôi kỹ, sên vét bùn, xử lý đáy ao bằng vôi 10 kg/100 m2. – Mật độ thả nuôi không quá dầy, trung bình 40 con/m2. – Định kỳ tạt nước vôi xuống ao với liều lượng 3 kg/100 m3 khi môi trường ao nuôi ngày càng xấu dần ở những tháng cuối vụ nuôi. – Định kỳ bón Zeolite làm sạch đáy ao liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì. – Hoặc định kỳ diệt mầm bệnh bằng thuốc tím với liều lượng 2 g/m3 hòa tan, tạt đều ao. – Hoặc định kỳ diệt mầm bệnh bằng phức hợp Iodine theo hướng dẫn nhà sản xuất được ghi trên nhãn thuốc,tạt đều ao.

5. Phương pháp trị bệnh Giải pháp trị bệnh trong nuôi cá nói chung là phải có sự kết hợp giữa xử lý môi trường ao nuôi, tăng sức đề kháng và tiêu diệt mầm bệnh. Sau đây là một số loại hóa chất có khả năng diệt mầm bệnh vi nấm được khuyến cáo sử dụng: – Thuốc tím với liều lượng 10 g/m3 tắm cho cá trong thời gian 30 – 60 phút. – Formol với liều lượng 20 ml/m3 tắm trong thời gian 30 – 60 phút và trị liên tục 3 – 5 ngày, lưu ý không được trị quá liều hoặc không thực hiện điều trị lúc trời quá nóng. – Phèn xanh (CuSO4.5H2O) nồng độ 0,2 – 0,5 g/m3 hòa tàn tạt đều ao, đồng thời kết hợp rải muối hột trực tiếp xuống ao với liều lượng 5 kg/100 m2. Lưu ý để sử dụng phèn xanh hiệu quả cần phải đo độ kiềm trong nước và lượng phèn xanh sử dụng được tính như sau:

Lượng phèn xanh sử dụng (mg/L) = độ kiềm trong nước (mg/L)/100

(Bài viết đã được UV-Việt Nam mua tác quyền từ tác giả. Bất cứ hình thức sao chép nào đều phải có trích dẫn nguồn từ UV-Việt Nam – uv-vietnam.com.vn).

]]>

By admin