I. Tổng quan về cá cảnh Việt Nam 1.1. Sự phát triển cá cảnh – Nghề cá cảnh trên thế giới đã có từ rất lâu và đã có sự phát triển ổn định trong thời gian qua. Ngành công nghiệp cá cảnh của thế giới phát triển mạnh mẽ trong những thập niên gần đây. Theo báo cáo của FAO, thương mại cá cảnh trên thế giới đạt 900 triệu USD và khoảng 3 tỷ USD giá trị bán lẻ vào năm 2000.
– Tốc độ tăng trưởng bình quân 14%/năm kể từ 1985. Các nước đang phát triển chiếm 2/3 sản lượng cá cảnh cung cấp cho thị trường thế giới. Đặc biệt là các quốc gia tịa Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan,..Thị trường tiêu thụ chủ yếu: Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản…
– Việt Nam có tiềm năng lớn cho phát triển cá cảnh do có khí hậu nhiệt đới, nguồn lợi thủy sinh tự nhiên phong phú và sự đa dạng của các hệ thống sông và kênh rất thuận lợi cho sự phát triển nghề cá cảnh, đặc biệt phù hợp cho sự sinh sản và phát triển các loài cá cảnh nhiệt đới. Nằm ở khu vực trung tâm của Đông Nam Á, Việt Nam thuộc một trong ba trung tâm cá cảnh của thế giới là Nam Mỹ, Châu Phi và Đông Nam Á. Một số địa phương có nghề cá cảnh khá phát triển như Quảng Ninh, Thái Bình, Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Quảng Ngãi, Nha Trang, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu. Đặc biệt, thành phố Hồ Chí Minh được coi là trung tâm cá cảnh của nước ta với lịch sử hình thành và phát triển nghề cá cảnh từ lâu đời.
– Mặc dù là nước có tiềm năng rất lớn để phát triển thủy sản nói chung và cá cảnh nói riêng, song thời gian qua lĩnh vực cá cảnh vẫn chưa được chú trọng để đầu tư nghiên cứu, sản xuất và phát triển. Sản xuất giống cá cảnh chưa có kế hoạch cụ thể và chưa chủ động được nguồn giống. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, manh mún và chủ yếu quy mô hộ gia đình. Chưa tập trung nghiên cứu, đánh giá về tiềm năng của thị trường tiêu thụ cá cảnh cũng như những chính sách khuyến khích phát triển phù hợp.
– Để có được thông tin đầy đủ, làm cơ sở khoa học và thực tiễn giúp cho các nhà hoạch định chính sách, quản lý, nghiên cứu, doanh nghiệp, có thể định hướng đầu tư nghiên cứu sản xuất phù hợp, giúp cho nghề nuôi, kinh doanh cá cảnh phát triển bền vững, xứng đáng với tiềm năng và lợi thế về điều kiện tự Việt Nam, thì việc thực hiện điều tra tình hình nhập, phân phối, tiêu thụ cá cảnh ở Việt Nam là cần thiết.
1.2. Sự phát triển cá tai tượng da beo – Việt Nam nằm ở khu vực Đông Nam Á, là một trong 3 vùng nuôi cá cảnh nổi tiếng trên thế giới. Sự di nhập của nhiều giống cá nước ngoài đẹp và quý hiếm đã đưa nghề cá cảnh nước ta trở thành nghề đặc trưng từ hàng chục năm qua. Phần lớn các loài cá nước ngọt trên thế giới sống trong các sông và hồ có nhiệt độ cao, chủ yếu là của các vùng nhiệt đới châu Mỹ, châu Phi và châu Á (Võ Văn Chi, 1993). Trước đây, do hoàn cảnh đất nước khó khăn, việc nuôi nuôi cá cảnh có hạn chế. Ngày nay, với việc giao lưu, phương tiện chuyên chở nhanh chóng, có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để trao đổi mua bán cá cảnh với các nước khác.
– Một số loài cá có màu sắc đẹp đã được xếp vào hàng cá cảnh nổi tiếng, chẳng hạn như cá Dĩa, cá Thần tiên, cá Tai Tượng da beo, cá Phượng hoàng. Đặc tính chung của chúng khá là dữ, tự bắt cặp sinh sản khi đến tuổi trưởng thành, tính chăm sóc trứng và bảo vệ con (Vĩnh Khang, 2007).
– Trong các loài cá cảnh, cá Tai Tượng da beo có tốc độ lớn nhanh, tỷ lệ sống cao, là những tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng và giá trị của cá, trong suốt quá trình nuôi đòi hỏi phải có quá trình chăm sóc thật tốt, cũng như trong việc chọn lựa thức ăn, mỗi loại thức ăn khác nhau sẽ cho màu sắc khác nhau, tăng trọng khác nhau. Nhằm cung cấp thêm những thông tin cần thiết góp phần hoàn chỉnh thêm những nghiên cứu trước đây, làm cơ sở tham khảo để có sự lựa chọn thức ăn thích hợp giúp cá tăng trưởng tốt, hạn chế tỉ lệ hao hụt. Do đó, vấn đề tìm ra loại thức ăn phù hợp nhất, làm tăng hiệu quả của quá trình ương nuôi. Đồng thời góp phần làm cho thị trường cá cảnh ở thành phố Cần Thơ được mở rộng nói riêng và Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung.
II. Tiềm năng và thực trạng xuất nhập khẩu cá cảnh Việt nam 2.1. Tiềm năng cá cảnh Việt Nam a) Tiềm năng phát triển: – Không giống như nuôi cá thương phẩm, nghề nuôi cá cảnh mang lại giá trị rất lớn nếu được đầu tư bài bản.
– Mấy năm trở lại đây, nghề nuôi cá cảnh đã đang từng bước phát triển, đặc biệt là khu vực phía Nam.
– Hiện nay, TP Hồ Chí Minh có khoảng 500 hộ nuôi cá cảnh các loại, mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 30 – 40 triệu con. Khoảng 600 cơ sở, đại lý kinh doanh cá cảnh phân bố rải rác tại các quận của thành phố. Các tỉnh khác như Tiền Giang cũng có phát triển nghề nuôi cá cảnh như huyện Cái Bè, có hộ thu nhập bình quân từ 10 – 15 triệu đồng/tháng từ nghề nuôi cá cảnh.
– Các tỉnh phía Nam nước ta có nhiều lợi thế về thời tiết và điều kiện tự nhiên để phát triển nghề nuôi cá cảnh (cá cảnh nước ngọt, cá cảnh biển). Tuy nhiên, việc đầu tư vẫn còn mang tính tự phát nên chưa phát huy được những tiềm năng của nghề này.
b) Chiến lược phát triển: – Bên cạnh những tiềm năng trên để phát huy thế mạnh sẵn có cần có chiến lược phát triển mang tính lâu dài và bền vững. Hiện nay, những các cơ sở sản xuất, kinh doanh cá cảnh ở nước ta vẫn chủ yếu là quy mô nhỏ, làm ăn riêng lẻ như tự tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm, sản xuất chủ yếu là theo kinh nghiệm, thiếu sự đầu tư – đặc biệt là về khoa học kỹ thuật, các sản phẩm cá chất lượng chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường cả về số lượng và chất lượng. Trong số hàng trăm cơ sở, cửa hàng sản xuất kinh doanh cá cảnh thì chỉ có khoảng vài cơ sở là có khả năng xuất khẩu với quy mô tương đối lớn và ổn định.
– Tuy nhiên, để cá cảnh có thể xuất khẩu ra nước ngoài, nhất là với thị trường chính là Mỹ và EU thì cá cảnh xuất khẩu phải đạt một số yêu cầu từ thị trường. Do đó vấn đề kiểm soát an toàn dịch bệnh đặc biệt là dịch bệnh do virus trên cá chép, cá vàng của Việt Nam, đây cũng là 2 đối tượng có giá trị, chiếm khoảng 30% giá trị xuất khẩu.
– Để làm được những việc đó thì cần phải có chiến lược lâu dài cho nghề sản xuất cá cảnh như xây dựng các vùng nuôi xuất khẩu tập trung, quy hoạch các vùng nuôi, đẩy mạnh nghiên cứu lai tạo, sản xuất nhiều giống cá cảnh có giá trị xuất khẩu… Bên cạnh đó, cần phải bảo vệ nguồn lợi cá cảnh biển có giá trị đang bị khai thác như cá hoàng đế, cá ngựa, cá rồng biển… bởi đặc trưng của những loài cá cảnh biển là sức sinh sản thấp, khó sinh sản nhân tạo nên nguy cơ đe dọa các loài này là rất lớn.
2.2. Thực trạng xuất nhập khẩu cá cảnh ở Việt Nam a) Tình hình nhập khẩu: – Hàng năm Việt Nam nhập một số lượng cá cảnh biển lẫn cá nước ngọt để làm phong phú thêm cho thị trường cá cảnh Việt Nam tuy nhiên số lượng cá cảnh nhập không nhiều chỉ khoảng 150.000 con/năm và hiện nay vẫn chưa có số liệu thống kê chính thức về số lượng cá cảnh được nhập vào Việt Nam.
– Hiện nay các loài cá cảnh nhập vào Việt Nam chủ yếu từ Đài Loan, Thái Lan, Hồng Kông, Singapore, Malaysia, Trung Quốc và Philippine. Qua khảo sát cho thấy có khoảng 40 loài cá đã được nhập nội, các loài chính gồm: cá Chuột Ba Sọc, cá Thành Cát Tư Hãn, cá Hoàng Tử Châu Phi, cá Neon đỏ, cá Nhật Đăng, cá Kim Long, cá Ngân Long, cá Ali, cá Chim Dơi, cá Chuột Trắng, cá Chuột Nâu, cá Hồng Vỹ Mỏ Vịt, cá Hoàng Đế, cá Hồng Két, cá Lông Gà, cá Mũi Đổ, cá Phát Tài, cá Sấu Hỏa Tiễn,…
– Hình thức nhập cá cảnh vào Việt Nam qua các con đường chính ngạch qua cửa khẩu Tân Sơn Nhất, Nội Bài và tiểu ngạnh qua các cửa khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam.Nhập khẩu theo đường chính ngạch qua cửa khẩu Tân Sơn Nhất trung bình 150 ngàn con/năm. Các loại cá nhập khẩu chủ yếu làm giống và một phần phục vụ thị trường trong nuớc (những loài cá Việt Nam chưa sản xuất được).
b) Thị trường xuất khẩu: – Cá cảnh sản xuất tại Việt Nam không chỉ được tiêu thụ nội địa mà còn được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới thuộccác châu lục khác nhau như Âu, Á và Mỹ, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều người, trong đó thành phố Hồ Chí Minh được coi trung tâm cho các hoạt động xuất khẩu các đối tượng cá cảnh.
– Thị trường xuất khẩu đa dạng, phong phú, rải rác ở các châu lục. Ở châu Âu chiếm nhiều nhất với 64%, tập trung một số nước như Pháp, Đức, Anh, Thụy Sĩ, Đan Mạch, Hà Lan, Ý, Hy Lạp, Cộng Hoà Czech…; Châu Mỹ chiếm 20%, tập trung một số nước như Canada, Mỹ, Braxin…; Châu Á chiếm 16%, tập trung ở Nhật Bản, Đài Loan, Úc, Hồng Kông, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippin…
– Những năm gần đây, nhiều loài cá cảnh có nguồn gốc tự nhiên ở Việt Nam như thái hổ, nàng hai, sơn xiêm, mang rỗ, cẩm thạch xanh, nâu, lòng tong,…ngày càng được ưa chuộng trên thị trường châu Âu và Mỹ. Tuy nhiên, các loài cá khai thác tự nhiên đa dạng về chủng loại nhưng số lượng xuất khẩu chưa cao vì nguồn cung cấp không ổn định.
– Hiện nay nước ta xuất khẩu khoảng trên 60 loài cá cảnh, trong đó số lượng cá cảnh nước ngọt chiếm khoảng 97%. Các đối tượng cá nước ngọt có tỷ lệ giá trị xuất khẩu cao hàng năm là cá Nêon, cá dĩa, cá xiêm, cá môly, hắc kim, trân châu, cá bảy màu, cá tai tượng và nhiều chủng loại cá khác như: cá hòa lan, hồng kim, hạt lựu, cá tỳ bà, cá vệ sinh, cá nóc, cá hồng két.
– Những năm trước đây, do ưu thế sản xuất với giá thành rẻ, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 500.000 cá chép Koi đi các thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… Nhưng sau sự kiện các nước châu Âu và châu Mỹ yêu cầu các nước xuất khẩu phải chứng minh được sản phẩm sạch bệnh vi rút mùa xuân (SVC) và (KHV), việc xuất khẩu cá chép của nước ta đã bị gián đoạn. Hiện nay, cá chép chủ yếu chỉ tiêu thụ trong nước và việc xuất khẩu gặp khó khăn đã ảnh hưởng rất lớn tới kinh doanh của nhiều cơ sở nuôi vì cá chép đã là đối tượng xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
– Bên cạnh đó các loài cá cảnh biển xuất khẩu chủ yếu như cá ngựa, cá chẽm giống, hải quỳ, sao biển, cá mó, cá khoang cổ, cá hoàng hậu và một số loài cá khác.
Kỹ thuật nuôi cá Tai Tượng Da Beo – Phần II. Kỹ thuật nuôi cá Tai Tượng Da Beo – Phần III.
Kỹ thuật nuôi cá Tai Tượng Da Beo, Nguồn: KS. Nguyễn Thanh Tâm – CCTS Cần Thơ.
]]>