<![CDATA[]]>

Trong quá trình nuôi tôm người nuôi đã thực hiện các điều kiện trọng tâm giúp tôm phát triển bình thường. Nhưng đến tháng cuối vụ, trước khi thu hoạch tôm cần chú trọng nâng cao chất lượng tôm nuôi sẽ giúp đạt hiệu quả kinh tế cao. Cần kiểm tra các yếu tố môi trường cũng như các dấu hiệu bệnh tật trên thân tôm, kịp thời đưa ra giải pháp xử lý hiệu quả, tránh thiệt hại do tôm nuôi giảm chất lựơng như bị mòn đuôi, cụt râu, đóng rong (đóng khói đèn), mềm vỏ (da thiết).

1. Đối với tôm bị mòn đuôi, cụt râu – Nguyên nhân: Cho ăn thiếu chất lượng và số lượng làm tôm đói cắn nhau. Đáy ao nuôi bị dơ, vi khuẩn phát triển mạnh tấn công vào các phụ bộ, chân bò, chân bơi, râu làm mòn chân, mòn đuôi, cụt râu.

– Biểu hiện: + Tôm bơi lội chậm chạp, bắt mồi kém, phát triển chậm. + Râu, đuôi, chân bò bị mòn có màu đen, trên thân tôm có nhiều chỗ bị xay xát.

– Cách xử lý: + Mòn đuôi do tôm đói cắn nhau thì điều chỉnh tăng lượng thức ăn cho vừa đủ, một thời gian sau tôm khoẻ mạnh lột xác các chỗ bị mòn ở đuôi sẽ hết. + Nếu mòn đuôi, cụt râu do vi khuẩn tấn công thì sử dụng chất kháng sinh norfloxacine liều lượng 7g/kg thức ăn sử dụng liên tục trong 5 ngày để phòng trị bệnh. Đồng thời tăng cường vitamine C để nâng cao sức đề kháng cho tôm. + Sử dụng hoá chất formol, BKC diệt vi khuẩn, nấm, nguyên sinh động vật.

2. Đối với tôm bị đóng rong, đóng nhớt trên thân – Nguyên nhân: + Do quản lý chất lượng nước không được tốt, một số loài nấm, nguyên sinh động vật bám trên thân tôm phát triển mạnh làm cho tôm khó khăn trong việc lột xác và sinh trưởng. + Do đáy ao dơ bẩn, môi trường sinh khí độc làm tôm hoạt động kém, tạo điều kiện tốt cho nấm và nguyên sinh động vật bám vào thân tôm.

– Biểu hiện: Trên thân tôm đóng 1 lớp nhớt, vỏ tôm dày làm cho tôm khó khăn trong hoạt động bắt mồi và sinh trưởng; tôm có hiện tượng phân đàn, phát triển không đồng đều, chậm lớn.

– Cách xử lý: + Quản lý tốt các yếu tố môi trường ao nuôi như pH, độ kiềm, độ trong, oxy. + Dùng hoá chất formol, BKC diệt khuẩn, nấm, nguyên sinh động vật kết hợp với thay nước 20 – 30%. + Tăng cường những chất bổ dưỡng như vitamine C để nâng cao sức đề kháng; trộn dầu mực vào thức ăn kích thích tôm bắt mồi. + Dùng men vi sinh như EM1090, AS1 và AS3 liều lượng 450g/1.000 m3 để phân hủy các chất dơ bẩn ở đáy ao do các chất hữu cơ lắng tụ.

3. Đối với tôm bị mềm vỏ – Biểu hiện: Thân tôm mềm nhảo, thịt không đầy vỏ.

– Nguyên nhân: Do môi trường ao nuôi xấu, tôm bắt mồi kém, thức ăn không đủ chất dinh dưỡng, thiếu chất khoáng, tôm chậm lớn .

– Cách xử lý: + Nâng cao chất lựơng nước, định kỳ thay 20 – 30% nước trong ao. Sử dụng thức ăn chất lượng cao có đủ dinh dưỡng (chất đạm, chất bột đường, chất béo, khoáng…) + Dùng vôi dolomite 50kg/1.000 m3 giúp tăng hệ đệm, ổn định pH. + Dùng men vi sinh EM1090, AS1 và AS3 liều lượng 450g/1.000 m3 nhằm nâng cao chất lựơng nước, ổn định các yếu tố môi trường, phân hủy các chất dơ bẩn ở đáy ao. + Tăng cừơng một số chất khoáng như Canxi và Phospho liều lượng 5g/kg thức ăn giúp tôm cứng vỏ.

Cách nâng cao chất lượng tôm nuôi trước khi thu hoạch, Nguồn: Thư viện điện tử KHCN tỉnh Vĩnh Long.

]]>

By admin