<![CDATA[]]>

Năm 2016, thành phố Cần Thơ với diện tích tiềm năng nuôi trồng thủy sản là 51.878 ha (chiếm 36,7% diện tích tự nhiên thành phố), trong đó chủ yếu là các khu ruộng trũng chiếm diện tích lớn nhất 48.700 ha, đất mương vườn 3.140 ha. Diện tích tiềm năng nuôi thủy sản của thành phố Cần Thơ tập trung ở các quận, huyện như huyện Vĩnh Thạnh với 27.992 ha (53,96%); huyện Cờ Đỏ 13.373 ha (25,78%); quận Thốt Nốt 5.294 ha (10,20%); huyện Phong Điền 2.442 ha (4,71%) và quận Ô Môn 2.137 ha (4,12%). Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản hàng năm từ 13.000-15.000 ha với sản lượng từ 180.000–200.000 tấn, gồm các đối tượng nuôi chính: cá tra, cá rô, cá lóc, cá rô phi, tôm càng xanh… Với các loại hình nuôi như: nuôi cá tra thâm canh, nuôi cá rô thâm canh, nuôi luân canh tôm càng xanh–cá trên ruộng lúa, nuôi cá lóc vèo mùa lũ trên kênh rạch ven sông… Bên cạnh đó, thành phố Cần Thơ còn phát triển nghề nuôi thủy sản lồng bè với trên 259 bè cá, sản lượng 1.855 tấn và phát triển nuôi một số đối tượng thủy đặc sản như: Lươn, ếch, baba, cá chạch lấu,… với diện tích gần 10 ha và sản lượng trên 300 tấn.

Do điều kiện khí hậu, thời tiết ngày càng diễn biến bất thường nên khó dự báo. Trong giai đoạn 2000-2010, lưu lượng nước lớn nhất và lưu lượng nước trung bình có khuynh hướng giảm (Tổng lưu lượng năm của sông Hậu tại Cần Thơ giảm 20 tỷ m3, tương đương giảm khoảng 10%), trong khi đó lưu lượng thủy triều tăng, đặt ra nguy cơ nước biển xâm nhập sâu vào đất liền, ảnh hưởng nguồn nước cung cấp cho các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của cộng đồng. Theo nhận định của trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, đầu năm 2015 do ảnh hưởng của hạn hán kéo dài gây ra thực trạng thiếu nước tưới tiêu cho nông nghiệp, sản xuất thủy sản, cùng với lưu lượng nước trên sông Mekong giảm, nước biển dâng cao, nắng nóng kéo dài do tác động của hiệu ứng El nino đã dẫn đến thực trạng hạn hán và xâm nhập mặn xảy ra ở một vài địa phương vùng ĐBSCL, gây thiệt hại nghiệm trọng đến sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, tình trạng xâm nhập mặn chưa xảy ra trên địa bàn thành phố Cần Thơ mà chỉ xảy ra ở các vùng ven biển trong phạm vi 50–70 km từ cửa sông.

Nhằm chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Chi cục thủy sản đã triển khai kế hoạch quan trắc môi trường phục vụ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố Cần Thơ giai đoạn 2015–2020; Đồng thời tham mưu cho Sở NN&PTNT xem xét trình UBND thành phố Cần Thơ phê duyệt Dự án “Cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi cá Tra xuất khẩu ở phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt với quy mô 100 ha” nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng nuôi cá tra tập trung, đồng bộ hóa công trình ao nuôi để đảm bảo phát triển nghề nuôi theo hướng bền vững, chủ động ứng phó với diễn biến bất lợi của môi trường. Một số chính sách đã được triển khai như: Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg: Chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp và Nghị định 02/2017/NĐ-CP ban hành ngày 09/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Ứng dụng tiến bộ Khoa học kỹ thuật trong nuôi thủy sản đã được tăng cường như: Nuôi tuần hoàn nhằm tiết kiệm nước đồng thời hạn chế dịch bệnh từ bên ngoài. Các vùng nuôi tập trung, các trại sản xuất giống đều phải bố trí hệ thống công trình ao nuôi, bể lắng lọc trước khi đưa vào sản xuất và hệ thống xử lý nước thải trước khi xả nước ra môi trường ngoài. Khuyến cáo các hộ nuôi thủy sản theo quy phạm thực hành nuôi tốt và các tiêu chuẩn quốc tế khác nhằm đảm bảo an toàn về môi trường, an toàn động vật nuôi và sản xuất sản phẩm an toàn.

Khuyến cáo người nuôi thủy sản tập trung theo dõi sức khỏe tôm cá, tăng cường phòng chống dịch bệnh. Nâng cấp hệ thống thủy lợi, tiếp tục nạo vét kênh, mương, khơi thông dòng chảy các công trình thủy lợi, phòng chống nắng nóng kéo dài ảnh hưởng đến thủy sản nuôi trong mùa khô, xây dựng hệ thống ao chứa nước để dự phòng khi thiếu nước.

Dự báo, xây dựng kế hoạch nuôi trồng thủy sản của thành phố Cần Thơ ứng với các kịch bản biến đổi khí hậu – nước biển dâng; dự báo các công trình phục vụ thủy sản bị đe dọa do nước biển dâng như: Các công trình thủy lợi, giao thông, hệ thống công trình nuôi,… Từ đó có khuyến cáo, tổ chức thiết kế, thẩm định xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ ngành thuỷ sản phù hợp.

Xây dựng cơ sở dữ liệu (bản đồ, số liệu, ảnh vệ tinh) phục vụ cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Chuyển đổi một số đối tượng thủy sản nuôi như: cá rô phi, cá bông lau,… có khả năng phát triển, thích nghi với thay đổi độ mặn, nhiệt độ.

Mở rộng mạng lưới quan trắc môi trường nước trong thành phố nhằm cảnh báo, kiểm soát và xử lý kịp thời diễn biến bất lợi về môi trường.

Tăng cường hợp tác liên ngành, liên tỉnh, liên vùng, hợp tác quốc tế, nắm bắt kịp thời thông tin; tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế về vốn, khoa học – công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực; học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia có điều kiện tương đồng trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ vùng nuôi. Chủ động theo dõi sát diễn biến thời tiết, dòng chảy và công tác quan trắc cảnh báo môi trường. Cập nhật thông tin thường xuyên về diễn biến của thời tiết, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn của nước biển đối với thành phố Cần Thơ và các tỉnh lân cận vùng ĐBSCL. Thông báo kịp thời đến các vùng nuôi và người nuôi thủy sản thông qua các phương tiện truyền thông, báo đài, internet.

Trên đây là một số giải pháp nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu trong sản xuất thủy sản trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

Nuôi trồng thủy sản và giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, Nguồn: Phòng Nuôi trồng Thủy sản-Chi cục Thủy sản Cần Thơ

]]>

By admin