Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, nhiệt độ trung bình trên phạm vi toàn quốc hiện nay phổ biến cao hơn giá trị trung bình nhiều năm. Nam Bộ có khả năng xuất hiện nhiều ngày nắng nóng diện rộng; đặc biệt có thể xuất hiện các đợt nắng nóng kéo dài cùng với tình trạng ít mưa có thể gây khô hạn, thiếu nước tưới tiêu cho canh tác nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Hiện nay, nhiệt độ ở thành phố Cần thơ dao động từ 25 – 38 độ C, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm trung bình 10 độ C, nhiệt độ thấp nhất từ 25-28 độ C và nhiệt độ cao nhất từ 35-38 độ C. Dự báo trong tháng 5 năm 2019 nhiệt độ trung bình phổ biến ở thành phố Cần Thơ (các tỉnh Nam bộ nói chung) cao hơn từ 0,5 đến 1,0 độ C so với năm trước.
Trước tình trạng nắng nóng kéo dài và sự diễn biến phức tạp của thời tiết, người nuôi thủy sản cần theo dõi chặt chẽ sự biến đổi các yếu môi trường như nhiệt độ, pH, màu nước, độ trong nước ao nuôi,… để có biện pháp xử lý kịp thời nhằm hạn chế dịch bệnh bùng phát. Sau đây là một số giải pháp nuôi thủy sản trong mùa nắng nóng nhằm hạn chế rủi ro và giảm thiểu dịch bệnh:
Nuôi cá, tôm với mật độ vừa phải, không nuôi quá dày làm làm tang rủi ro dịch bệnh bùng phát do quá tải sức tải môi trường ao.
Để hạn chế nhiệt độ nước tăng cao vào lúc trưa nắng, nên giữ mức nước ao nuôi sâu tối thiểu từ 1,5 – 2,0 mét. Gia cố bờ ao, giảm thiểu lượng nước bị rò rỉ trong mùa khô.
Tăng cường thay nước mới và cấp nước bù khi nhiệt độ tăng cao nhằm gia tăng hàm lượng oxy hòa tan, kiểm soát tảo và hạn chế trường hợp cá bị sốc do các yếu tố môi trường biến động. Nắng nóng dễ làm tảo phát triển quá mức gây hiện tượng oxy giảm thấp vào lúc 2 – 5 giờ sáng hoặc biến động pH lớn theo ngày đêm. Do đó, cần kiểm soát tảo trong ao nuôi bằng cách bón vôi hoặc dùng đồng sulfate với liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
Xử lý nước định kỳ 10 – 15 ngày/lần với các loại hóa chất sát khuẩn như Iodine, BKC, Glutaraldehyt,… để diệt mầm bệnh trong ao.
Giảm lượng thức ăn từ 20 – 30% vào những ngày nắng nóng do động vật thủy sản có khả năng bắt mồi kém, thức ăn dư thừa làm ô nhiềm môi trường nước ao nuôi.
Bổ sung vitamin C, men tiêu hóa và các chế phẩm sinh học (betaglucan, oligosacharite,…) định kỳ 7 – 10 ngày/lần nhằm tăng sức đề kháng của cá nuôi.
Thời tiết được dự báo sẽ có nhiều diễn biến phức tạp hơn trong thời gian tới, những đợt nắng nóng kéo dài kèm những cơn mưa chuyển mùa là nguy cơ dẫn đến sự bùng phát của dịch bệnh trên động vật thủy sản. Do đó, người nuôi thủy cần theo dõi bản tin về quan trắc môi trường nước ở thành phố Cần Thơ trên các đài truyền thanh của địa phương hoặc trên website: www.thuysancantho.vn để ứng phó kịp thời với các diễn biến bất lợi của thời tiết./.
PHÒNG NUÔI TRỒNG THỦY SẢN
]]>