Nhờ sự giúp đỡ và hỗ trợ nhiệt tình của cán bộ tại địa phương, anh quyết định đầu tư, phát triển mô hình nuôi lươn không bùn. Anh Lâm mạnh dạn đầu tư, xây dựng lại các bể nuôi lươn bằng xi măng theo hướng dẫn của cán bộ kĩ thuật và mua sắm thêm một số trang thiết bị đơn giản để nuôi lươn. Anh cho biết, thời gian nuôi lươn từ 8-10 tháng, lươn giống có kích cỡ từ 150-200con/kg với giá 5.000-6.000đ/con tùy theo thời điểm, nguồn giống anh mua ở địa phương tại cơ sở uy tín. Thức ăn cho lươn là thức ăn viên có độ đạm từ 40 – 55%. Mỗi ngày cho ăn từ 1-2 lần vào sáng sớm và chiều mát. Anh Lâm cho biết thêm: Trước khi cho ăn, người nuôi cần thay nước, vừa loại bỏ nước dơ vừa xử lý hết thức ăn dư thừa và phòng tránh bệnh cho lươn. Khi xây dựng bể nuôi cần phải xây thêm bể để phân loại lươn theo kích cỡ phù hợp, điều này giúp cho người nuôi dễ dàng trong việc chăm sóc, cho ăn và theo dõi sự phát triển của lươn.
Hiện nay, gia đình anh có 16 bể, mỗi bể rộng 8m2, anh thả 1.500 con giống/bể. Sau 8 đến 10 tháng nuôi, tỷ lệ sống đạt hơn 60% lươn loại 1 (200gam/con) với giá bán hiện tại hơn 220.000đ/kg; lươn loại 2 giá bán hơn 190.000 đồng/kg. Từ năm 2018 đến nay, gia đình anh nuôi được 2 đợt lươn, mỗi đợt chi phí gần 260 triệu đồng, bao gồm con giống, thức ăn, điện, thuê nhân công và các chi phí khác; sản lượng thu hoạch lươn thương phẩm được hơn 1tấn, với giá bán khá cao, gia đình anh thu được lợi nhuận trên 200 triệu đồng. Như vậy, bình quân mỗi lứa nuôi lươn thương phẩm, gia đình anh thu lãi hơn 100 triệu đồng.
Mô hình nuôi lươn không bùn đã khắc phục được phần nào những hạn chế của cách nuôi lươn truyền thống và đem lại hiệu quả cao. Việc quản lý nguồn nước trong quá trình nuôi lươn không bùn hết sức quan trọng và phải được xử lý kỹ để hạn chế tối đa mầm bệnh trong nguồn nước cấp. Bên cạnh đó mô hình còn mang lại kinh tế cao cho bà con nông dân góp phần cải thiện đời sống và nâng cao năng suất lao động. Qua đó góp phần thúc đẩy nghề nuôi lươn thương phẩm phát triển bền vững.
Nguồn: Liên Trạm Thủy Sản Thốt Nốt – Vĩnh Thạnh
]]>