<![CDATA[]]>
        Ngày 18/01/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư số 01/2022/TT-BNNPTNT sửa đổi, bổ sung một số Thông tư lĩnh vực thủy sản, có hiệu lực từ ngày 04/3/2022. Trong đó nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản cụ thể như sau:

        – Đối với nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản (vùng nội địa) bao gồm: nghề lưới kéo (trừ lưới kéo moi/ruốc); nghề lồng xếp (lờ dây, bát quái, dớn, lừ); các nghề (đáy; xăm; chấn; xiệp; xịch; te, xẻo kết hợp với tàu có gắn động cơ); nghề cào đáy bằng khung sắt có kết hợp với tàu, máy kéo, bơm thổi (cào lươn, cào nhuyễn thể, banh lông). Riêng nghề lưới kéo; nghề chấn; nghề te, xẻo kết hợp với tàu có gắn động cơ; nghề cào đáy bằng khung sắt có kết hợp với tàu có gắn động cơ (cào lươn, cào nhuyễn thể, banh lông) cấm hoạt động từ ngày 01/01/2023.

        – Đối với quy định kích thước mắt lưới tối thiểu tại bộ phận tập trung thủy sản đối với ngư cụ khai thác nguồn lợi thủy sản ở vùng nội địa: lưới rê (cá linh), chài các loại 15 mm; lưới vây, đăng, nò, sáo 18 mm; vó, rớ 20 mm; lưới rê (lưới bén hoặc tên gọi khác tùy theo vùng miền) 40 mm.

        Với các nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản thì chế tài xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Nghị định số 42/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, cụ thể như sau:

         – Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản.Hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản.

         – Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thủy sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.Hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản và tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác thủy sản từ 03 tháng đến 06 tháng.

Lê Hồng Thắng – Bộ phận Thanh tra, pháp chế

]]>

By admin