<![CDATA[]]>
        Nhằm tạo sức lan tỏa mạnh mẽ đến mọi tầng lớp nhân dân trong công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản đồng thời tăng cường công tác quản lý, thúc đẩy sự liên kết, phối hợp giữa các địa phương và hình thành mô hình liên kết các tỉnh trong hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản. Bên cạnh nhằm góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và huy động nguồn lực của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, tăng ni, phật tử tham gia hoạt động tái tạo nguồn lợi thủy sản. Ngày 05 tháng 7 năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành văn bản số 4298/BNN-TCTS về việc phối hợp tổ chức hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản liên tỉnh, giai đoạn 2022 – 2025.

        Lễ thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản năm 2022 được tổ chức tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Các loài thủy sản thả tái tạo nguồn lợi bao gồm: thả các loài thủy sản quý, hiếm, có giá trị kinh tế, loài thủy sản phù hợp với điều kiện, thủy vực được thả. Buổi lễ thả cá sẽ được tổ chức phù hợp với điều kiện truyền thống của người dân địa phương, dự kiến thu hút sự quan tâm chú ý và tham gia tích cực của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương, doanh nghiệp và người dân tại An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp nói riêng và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

        Bên cạnh công tác thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản, đơn vị Chi cục thủy sản thành phố Cần Thơ thực hiện theo chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cử công chức tham gia đoàn thanh tra, kiểm tra liên tỉnh đồng thời tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành tuần tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về khai thác thủy sản tại khu vực thả cá tái tạo nguồn lợi, khu vực lân cận trước, trong và sau khi tổ chức lễ thả cá.

        Thông qua hoạt động phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác phối hợp kiểm tra khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố nhằm phát hiện, chấn chỉnh và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khai thác thủy sản. Tăng cường công tác trao đổi thông tin, qua đó kịp thời phối hợp thực hiện theo chức năng nhiệm vụ của mỗi đơn vị trong hoạt động kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm nhằm hạn chế tình trạng sử dụng ngư cụ cấm, xung điện, chất nổ và chất độc hại để khai thác thủy sản.

         Với các nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản thì chế tài xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản đối với một số trường hợp cụ thể như sau:

         – Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản, đối với trường hợp không sử dụng tàu cá.

        – Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán công cụ kích điện để khai thác thủy sản.

        – Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 12 mét.

Lê Văn Hảo – Bộ phận Thanh tra, pháp chế

]]>

By admin