<![CDATA[]]>
        Sáng ngày 05/6/2023, Cục Thủy sản tổ chức Hội nghị chuyên đề “Đánh giá kết quả công tác quan trắc, cảnh báo môi trường năm 2022, dự báo diễn biến chất lượng môi trường trong nuôi trồng thủy sản năm 2023 và lấy ý kiến góp ý sổ tay hướng dẫn tính toán chỉ số chất lượng nước (wqi) vùng nuôi trồng thủy sản nước ngọt, nước lợ và mặn”. Hội nghị tổ chức tại thành phố Nha Trang với sự tham dự của hơn 40 đại biểu. Thành phần tham dự Hội nghị chuyên đề bao gồm: Cục trưởng – Cục thủy sản Trần Đình Luân chủ trì Hội nghị, Ông Lê Văn Hoan – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa, đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, Viện Nghiên cứu NTTS II, Viện Nghiên cứu NTTS III, các chuyên gia đến từ các Trường Đại học.

Hình: Hội nghị chuyên đề

          Tại Hội nghị, Viện nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III trình bày “Kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi tôm nước lợ, tôm hùm tại một số tỉnh trọng điểm khu vực Nam Trung Bộ”. Ngoài ra bà Phạm Thị Loan đại diện Cục thủy sản trình bày “Báo cáo quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường nuôi trồng thủy sản năm 2022 và giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý môi trường thời gian tới”. Đồng thời, ông Lê Hồng Phước đại diện Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II trình bày “Quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường vùng nuôi trồng thủy sản tại một số tỉnh trọng điểm khu vực đồng bằng song Cửu Long năm 2022 và 5 tháng đầu năm 2023” và “Xây dựng bộ thông số, chỉ số đánh giá chất lượng nước vùng nuôi trồng thủy sản nước ngọt và nước lợ/mặn”.

          Trong các báo cáo của các chuyên gia đã trình bày một số dự báo, khuyến cáo đến người nuôi như: Người nuôi cần chú ý diệt khuẩn định kỳ trong ao nuôi để loại trừ mầm bệnh. Đặc biệt các ao nuôi sử dụng nguồn nước cấp thuộc các điểm quan trắc có hiện diện của vi khuẩn cơ hội có khả năng gây bệnh trên vật nuôi thủy sản cần diệt khuẩn kỹ trước khi cấp vào ao nuôi. Các ao nuôi có hiện tượng ô nhiễm hữu cơ cần xử lý vi sinh/ chế phẩm sinh học để giảm thiểu các chất hữu cơ dư thừa trong ao nuôi, cải thiện chất lượng nước. Đồng thời, kiểm tra diệt khuẩn ức chế vi khuẩn trong ao nuôi giảm rủi ro gây bệnh trên tôm, cá. Hạn chế thả giống mới, vận chuyển, san thưa trong thời điểm nắng nóng. Người nuôi nên thường xuyên kiểm tra các yếu tố thủy lý hóa nước ao và biểu hiện hoạt động của tôm nuôi, định kỳ bổ sung men tiêu hóa, vi lượng, khoáng chất, vitamin,… đặc biệt là vitamin C vào khẩu phần ăn hằng ngày để tăng sức đề kháng. Trước, trong và sau những cơn mưa đầu mùa cần sục khí cung cấp thêm oxy cho ao/bè nuôi. Chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường tại vùng nuôi cá lồng/bè theo kế hoạch đã được phê duyệt tại địa phương, tăng cường kiểm soát các nguồn xả thải để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi.

          Viện nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II đã có một số đề xuất như: Xây dựng và ban hành hướng dẫn đánh giá chất lượng nước cho vùng NTTS. Xây dựng TCVN các thông số môi trường nước, trầm tích phù hợp với NTTS để áp dụng đánh giá môi trường sát thực hơn với đối tượng và loại hình nuôi. Cần mở rộng số điểm quan trắc cũng như tần suất quan trắc phục vụ chỉ đạo sản xuất và phát triển ngành nuôi trồng thủy sản bền vững. Đối với các vùng nuôi tôm và cá tra cần có quy hoạch cụ thể vùng nuôi, đầu tư hệ thống điện cũng như hệ thống thủy lợi để đảm bảo cho việc cấp thoát nước đạt chất lượng giảm thiểu ô nhiễm, tránh lây lan mầm bệnh giữa các ao hay vùng nuôi. Các tỉnh nuôi cá nước ngọt ở Đồng bằng Nam Bộ cần xây dựng các kế hoạch, kịch bản phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn. Xây dựng quy trình kiểm soát chất lượng nước vùng nuôi thủy sản. Xây dựng mô hình dự báo dựa trên dữ liệu quan trắc đã có. Hoàn thiện và ứng dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường. Cần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác quan trắc cũng như đầu tư trang thiết bị phục vụ quan trắc cho các đơn vị triển khai thực hiện.

          Trong hội nghị, các đại biểu đã đóng góp ý kiến về chỉ số chất lượng nước trong nuôi trồng thủy sản (viết tắt là AWQI) nhằm đánh giá nhanh chất lượng nguồn nước nuôi thủy sản một cách tổng quát. Từ đó, các đơn vị quan trắc cung cấp thông tin môi trường cho cộng đồng một cách đơn giản, dễ hiểu, trực quan, nâng cao nhận thức về môi trường và nhằm hướng đến bản tin quan trắc chất lượng nước nuôi trồng thủy sản được phát hang

ngày trên đài truyền hình. Thêm vào đó, có những góp ý về ứng dựng cơ sở dữ liệu quan trắc môi trường quốc gia nhằm hướng đến tất cả các tỉnh quan trắc trên cả nước có thể cập nhật và theo dõi tình hình diễn biến của chất lượng nước tại các tỉnh.

          Kết thúc buổi hội nghị ông Trần Đình Luân – Cục trưởng Cục thủy sản đã kết luận và đưa ra một số nhiệm vụ quan trọng cho các nhà nghiên cứu và Sở Nông nghiệp chỉ đạo cơ quan quản lý thủy sản địa phương triển khai tốt kế hoạch quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường vùng nuôi trồng thủy sản. Từ đó công tác quan trắc phục vụ NTTS góp phần phát triển bền vững ngành NTTS ở Việt Nam và làm căn cứ cho việc xuất khẩu sản phẩm thủy sản cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước./.

Bùi Thị Diễm My – Phòng Thí nghiệm

]]>

By admin