Hình: Tiến sĩ Đinh Công Khải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo
Dự án “Thất thoát thực phẩm trong chuỗi giá trị cá da trơn (cá tra) ở lưu vực sông Mekong” được tài trợ bởi Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Úc (ACIAR) và Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Quốc tế của Canada (IDRC) và đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt thực hiện ngày 26 tháng 8 năm 2022. Theo đó, cơ quan chủ quản của Dự án là Bộ Giáo dục và Đào tạo; chủ Dự án Đại học Kinh tế TP.HCM; Đơn vị đề xuất Viện nghiên cứu chính sách Nông nghiệp và Sức khoẻ (HAPRI). Thời gian thực hiện dự án trong vòng 3 năm, từ ngày 1/4/2023 đến ngày 30/6/2026.
Mục tiêu của dự án nhằm nâng cao nhận thức về thất thoát và lãng phí thực phẩm, tạo điều kiện thu hút đầu tư của khu vực tư nhân trong việc giảm thất thoát và lãng phí thực phẩm đối với ngành cá tra ở lưu vực sông Mekong ở Việt Nam. Việc tìm cách tăng năng suất, sản lượng cho nông hộ nhỏ, đồng thời giảm thiểu thất thoát thực phẩm ở các giai đoạn sau thu hoạch giúp tăng khả năng cạnh tranh của chuỗi giá trị thực phẩm, cụ thể là cá tra ở Việt Nam.
Theo TS. Đinh Công Khải, Phó Hiệu trưởng UEH, dự án “Thất thoát thực phẩm trong chuỗi giá trị cá da trơn (cá tra) ở lưu vực sông Mekong” chính là một trong số những dự án nghiên cứu quan trọng mà UEH đang thực hiện cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, cả nước nói chung và tin tưởng rằng dự án nghiên cứu này sẽ mang đến những hiệu quả thiết thực cho sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam.
Ông Trần Ánh – Giám đốc quản lý chất lượng Công ty Cổ phần Nam Việt cho biết trong quá trình từ sản xuất đến tiêu thụ, chuỗi giá trị cá da trơn đối mặt với vấn đề lớn nhất là thất thoát thực phẩm trong chuỗi giá trị cá da trơn bao gồm: ương giống, hao hụt trong chế biến, vận chuyển, và thất thoát do không tận dụng được phụ phẩm… Những năm gần đây, việc chống lại hao hụt còn nhiều khó khăn do sự bất lợi về thời tiết cùng với môi trường nuôi ngày càng ô nhiễm, vì vậy cần những giải pháp hiệu quả tích cực để chống thất thoát, mang lại hiệu quả kinh tế bền vững và bảo vệ loài cá có giá trị xuất khẩu cao.
Dự án “Thất thoát thực phẩm trong chuỗi giá trị cá da trơn (cá tra) ở lưu vực sông Mekong” vô cùng thiết thực ở các quốc gia thiếu điều kiện bảo quản thực phẩm, cơ sở hạ tầng giao thông và việc tiếp cận các công nghệ sau thu hoạch còn hạn chế. Dự án này hứa hẹn mang đến những giá trị thiết thực cho các đối tượng được thụ hưởng gồm: nông dân, doanh nghiệp, phụ nữ và các nhà nghiên cứu trẻ, góp phần nâng cao giá trị và sức mạnh của sản phẩm nông nghiệp./.
Lê Ngọc Phương Đào – BP NTTS
]]>