<![CDATA[]]>
         Ngày 27/7/2023 CụcThủy sản đã tổ chức tập huấn “Hướng dẫn thẩm định, giám sát và chứng nhận điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong công đoạn nuôi” tại khách sạn Nesta Cần Thơ với sự tham gia của hơn 80 đại biểu là lãnh đạo, chuyên viên của cơ quan quản lý thủy sản địa phương, cơ sở, doanh nghiệp nuôi cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá da trơn đi thị trường Hoa Kỳ.

Tập huấn “Hướng dẫn thẩm định, giám sát và chứng nhận điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong công đoạn nuôi”

        Nội dung của buổi tập huấn bao gồm triển khai các nguyên tắc quản lý an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản theo quy định tại Nghị định 15/2019/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn và quy định về điều kiện nuôi trồng thủy sản theo Luật thủy sản, Nghị định số 26/2019/NĐCP, các văn bản hướng dẫn, xử lý vi phạm trong lĩnh vực thủy sản; Hướng dẫn thực hiện các yêu cầu đối với cơ sở nuôi cá da trơn cung cấp nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu đi Hoa Kỳ; Kết quả rà soát, kiểm tra điều kiện nuôi của các cơ sở nuôi cá da trơn cung cấp nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu đi thị trường Hoa Kỳ; Cập nhật các quy định mới về thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Hướng dẫn phương pháp lấy mẫu sản phẩm thủy sản, nước, đất, chỉ tiêu phân tích phục vụ công tác thẩm định, chứng nhận cơ sở nuôi trồng thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm; Giải đáp vướng mắc trong công tác thẩm định, giám sát, chứng nhận điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm.

         Ông Dương Thọ Trường – Phó chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi thú y và thủy sản tỉnh Đồng Tháp cho biết hiện tại đa phần các vùng nuôi của doanh nghiệp, của các cơ sở thực hiện theo Thông tư 38/2018/TT-BNNPTNT đều đáp ứng đủ điều kiện an toàn thực phẩm, tuy nhiên đối với các cơ sở nuôi nhỏ lẻ cung cấp nguyên liệu vẫn còn một số lỗi về nhà kho thức ăn, biển báo…cũng như chưa thực hiện ghi chép, lưu trữ hồ sơ đúng theo quy định, gây khó khăn trong vấn đề liên quan về việc truy xuất nguồn gốc.

        Ông Nguyễn Tiến Diệt – Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Tiền Giang đã đề ra một số giải pháp đối với vùng nuôi và cơ sở ương dưỡng trong thời gian tới cần tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về điều kiện nuôi; an toàn thực phẩm; việc sử dụng thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; giống thủy sản; thuốc, hóa chất tại vùng nuôi; xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, chủ động liên kết với cơ sở ương dưỡng giống thủy sản, hình thành chuỗi liên kết cung ứng con giống, từ đó hướng dẫn cơ sở thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản. Chi cục Thủy sản sẽ tăng cường phối hợp chính quyền địa phương, vận động các cơ sở ương dưỡng giống thủy sản theo hình thức hộ gia đình, nhỏ lẻ thành lập các tổ hợp tác, hướng dẫn tổ hợp tác thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện theo quy định Khoản 1, Khoản 2, Điều 24 Luật thủy sản; Điều 20 của Nghị định 26/2019/NĐ-CP.

          Buổi tập huấn kết thúc sau phần trao đổi thảo luận của các đại biểu, đem đến những giải pháp cho doanh nghiệp, cơ sở nuôi khắc phục các lỗi theo yêu cầu của cơ quan quản lý thủy sản địa phương và thực hiện theo đúng quy định của thị trường xuất khẩu./.

Lê Ngọc Phương Đào – BP NTTS

]]>

By admin