<![CDATA[]]>
        Ngày 15/09/2023 tại Trường Thủy sản – Đại học Cần Thơ đã tổ chức buổi báo cáo chuyên đề khoa học bao gồm các nội dung: Ảnh hưởng của việc nuôi ghép các loài cá nước ngọt trong hệ thống nuôi ốc bưu đồng (Pila polita) – báo cáo viên: PGS.TS. Ngô Thị Thu Thảo; So sánh hiệu quả nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei Boone, 1931) siêu thâm canh giữa ao chìm và ao nổi – báo cáo viên: PGS.TS. Trương Hoàng Minh; Nuôi trồng thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long – báo cáo viên: TS. Mai Viết Văn.

Hình: Báo cáo chuyên đề khoa học Trường Thủy sản – Đại học Cần Thơ

       Đến dự buổi báo cáo chuyên đề có PGS. TS. Võ Nam Sơn – Phó Trưởng khoa Khoa học và Công nghệ Biển – Trường Thủy sản, cùng quý thầy Cô của trường Thủy sản, Lãnh đạo Trung tâm khuyến nông Sóc Trăng, cán bộ địa phương các Tinh.

        Kết luận từ báo cáo của PGS.TS. Ngô Thị Thu Thảo cho thấy trong mô hình nuôi ốc kết hợp cá điêu hồng mật độ thích hợp thả cá điêu hồng là dưới 3 con/m2 sẽ ít gây ảnh hưởng đến tăng trưởng của ốc, mật độ thả nuôi cá sặc rằn là 3 con/m2 thích hợp khi nuôi ghép với ốc, cần chú ý chất lượng nước của hệ thống nuôi đặc biệt là vào cuối thời gian nuôi.

        Mai Viết Văn cho biết Việt Nam là một trong những nước đã, đang và sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng sẽ bị ngập nặng. Cần phải gấp rút xây dựng các giải pháp nhằm giảm thiểu, khắc phục và thích nghi với biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long. Việc định hướng, giải pháp quản lý nuôi trồng thủy sản thích nghi với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn cần phải phù hợp cho từng vùng tiểu sinh thái ở Đồng bằng sông Cửu Long./.

Lê Ngọc Phương Đào – BP Nuôi trồng thủy sản

]]>

By admin