<![CDATA[]]>
        Ngày 09/08/2024 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị phổ biến, chuẩn bị làm việc với Đoàn thanh tra Liên minh Châu Âu về dư lượng trong thủy sản nuôi tháng 9-10/2024 tại Khách sạn Đông Hà – Fortuneland thành phố Cần Thơ. Với sự tham gia của gần 300 đại biểu Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cơ quan chuyên môn trực thuộc các tỉnh, thành phố: Bình Thuận, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tp. Hồ Chí Minh, Long An, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Tiền Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, An Giang, Kiên Giang; Cục thủy sản, Cục Thú y; Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam – VASEP; Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản vào EU khu vực Nam bộ. Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường khu vực Nam bộ; Các Trung tâm Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường vùng 4,5,6; Cục An ninh kinh tế (A04), Bộ Công an.

Hình: Hội nghị phổ biến, chuẩn bị làm việc với Đoàn thanh tra Liên minh Châu Âu về dư lượng trong thủy sản nuôi tháng 9-10/2024

        Ông Lê Anh Ngọc – Trưởng Phòng Giám sát và Đánh giá sự phù hợp, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho biết EU là một trong các thị trường tiêu thụ thủy sản chủ lực của Việt Nam, kết quả thanh tra tiêu cực sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động chế biến xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp và ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu thủy sản; EU có phương pháp tiếp cận theo hướng kiểm tra, công nhận hệ thống, do vậy, kết quả thanh tra không chỉ ảnh hưởng đến các đơn vị, các cơ sở liên quan mà ảnh hưởng tới toàn ngành thủy sản của Việt Nam; Kết quả thanh tra tiêu cực có thể ảnh hưởng đến việc xuất khẩu thủy sản không những sang thị trường EU mà sang cả các thị trường khác.

        Vì vậy việc giữ vững uy tín và chất lượng thủy sản của Việt Nam tại thị trường EU là tiền đề quan trọng để các thị trường khác chấp thuận và mở cửa đối với thủy sản Việt Nam, đóng góp quan trọng vào việc giữ vững và tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu.

        Ông Trần Duy Minh – Trưởng phòng An toàn thực phẩm, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho biết ý kiến phản hồi của Cơ Quan Thẩm Quyền EU liên quan khuyến cáo kiểm soát Hóa chất kháng sinh đó là “ Xử lý triệt để việc sử dụng hoá chất, kháng sinh cấm trong nuôi trồng thuỷ sản, cần có những biện pháp xử phạt hiệu quả và mang tính răn đe để hạn chế việc sử dụng trái phép các chất đó và việc kinh doanh, buôn bán hoá chất, kháng sinh cấm, không chỉ bị cấm ở EU, ở nhiều quốc gia khác, tại Việt Nam”. Ông cũng đã trình bày các biện pháp thực hiện khắc phục gồm có Tổ chức hội nghị, tập huấn cho cán bộ TW, địa phương; Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật ; Rà soát toàn bộ các cơ sở trong Danh sách xuất khẩu EU; Trực tiếp tổ chức điều tra, xác định nguyên nhân sản phẩm vi phạm hoá chất kháng sinh, thông báo các cơ quan có trách nhiệm xử lý theo thẩm quyền; Cập nhật báo cáo tới cơ quan thẩm quyền EU về kết quả xử lý.

        Để nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm sản phẩm thủy sản, đại diện Cục Thủy sản cho biết tiếp tục đề nghị địa phương Tăng cường chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện nghiêm các quy định về quản lý an toàn thực phẩm tại Luật An toàn thực phẩm, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ; Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT, Thông tư số 17/2018/TT- BNNPTNT, Thông tư số 32/2022/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đồng thời tăng cường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc, hóa chất cấm dùng trong nuôi trồng thủy sản.

Lê Ngọc Phương Đào – BP NTTS

]]>

By admin