Ngày 30/10/2024, Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II diễn ra buổi Hội thảo “Polyvalent vaccin for freshwater catfish (Pangasius)” nằm trong khuôn khổ Dự án “Vắc-xin nhị giá cho cá tra” do Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II phối hợp cùng Đại học Stirling (Vương Quốc Anh) đồng chủ trì. Hội thảo nhằm trao đổi thông tin về sử dụng vaccine trên cá tra giữa nhà nghiên cứu và hộ nuôi. Bên cạnh đó, hội thảo cũng chia sẽ các thuận lợi và khó khăn trong quá trình nuôi nuôi cá tra.
Hình: Buổi hội thảo
Buổi hội thảo với sự tham dự của Lãnh đạo Viện TS. Trần Hồng Phước – Phó Viện trưởng – Viện Nuôi trồng Thủy sản II, các chuyên gia nghiên cứu vaccine đến từ trường Đại học Stirling (Vương Quốc Anh), đại diện Chi cục Thuỷ sản Cần Thơ, nhà doanh nghiệp và các hộ nuôi cá.
Phát biểu tại hội thảo TS. Trần Hồng Phước đã đưa ra các thách thức trong nghề nuôi cá tra như hiện nay. Các bệnh trên cá tra như gan thận mủ, xuất huyết, ký sinh trùng gây ảnh hưởng hiệu quả kinh tế trong quá trình nuôi. Đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu làm chất lượng nuôi thủy sản bị thay đổi nhanh và tác động xấu đến sức khỏe cá nuôi, tạo thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh phát triển. Ngoài ra, việc sử dụng kháng sinh trong điều trị bệnh cho cá không chỉ làm chậm quá trình tăng trưởng của cá mà còn làm tăng chi phí sản xuất do tăng hệ số FCR (hệ số sử dụng thức ăn), gây thiệt hại kinh tế cho người nuôi, có thể gây kháng kháng sinh. Vì vậy, một trong giải pháp tiềm năng đang được quan tâm trong quản lý dịch bệnh là sử dụng vaccine.
Trong khuôn khổ của Dự án, các chuyên gia nhằm trao đổi thông tin về công tác quản lý chăm sóc cũng như sử dụng vaccine trên cá tra trong phòng bệnh trên cá tra. Chủ nhiệm nhóm nghiên cứu đã đưa ra các câu hỏi trực tiếp xoay quanh kỹ thuật nuôi, hiệu quả kinh tế khi sử dụng kháng sinh và vaccine. Đáp lại các câu hỏi từ nhóm chuyên gia, ông Nguyễn Hữu Huynh vừa là chủ hộ nuôi vừa là người trực tiếp thực hiện kỹ thuật trong quá trình nuôi cho biết “Việc sử dụng vaccin hiện nay đang hạn chế chủ yếu được sử dụng để nghiên cứu, giá thành không rẻ, vaccin đưa vào đường tiêm lại càng khó cho người nuôi, nguồn cung không đủ”. Cùng ý kiến với hộ nuôi, ông Nguyễn Văn Hiền cho biết: “Vaccine đưa vào đường tiêm phải tốn thời gian, nhân công và phương pháp ngâm là phương pháp hiệu quả và thực tế khi tiến hành đáp ứng với số lượng lớn. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố như nồng độ kháng nguyên, thời gian ngâm, cỡ cá, tình trạng cá, nhiệt độ nước, có ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng miễn dịch của cá bằng phương pháp ngâm.
Qua hội thảo, trao đổi và đóng góp ý kiến của hộ nuôi, doanh nghiệp và đại diện cơ quan quản lý ngành, đoàn chuyên gia đã ghi nhận được thông tin, kinh nghiệm thực tế trong việc sử dụng vaccine để phòng bệnh cho cá tra như hiện nay. Các chuyên gia nhận định vaccine cho cá tra vẫn đang tiếp tục trong quá trình nghiên cứu và hoàn thiện để tăng hàm lượng kháng thể phòng bệnh trên cá tra.
Nguyễn Thị Như Ý – Lĩnh vực Thí nghiệm