Cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) được nuôi phổ biến ở khu vực ĐBSCL, với sản lượng năm 2013 đạt 1,2 triệu tấn. Cùng với sự mở rộng diện tích và nâng cao mức độ thâm canh hóa, dịch bệnh (chủ yếu là bệnh nhiễm trùng máu do nhóm vi khuẩn Aeromonas và bệnh hoại tử do nhóm trực khuẩn) bùng phát ảnh hưởng đến ngành nuôi cá tra của VN. Nông dân nuôi cá tra thường sử dụng các sản phẩm kháng sinh (chất kháng khuẩn) thương mại để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn mà không hoặc rất ít sử dụng vaccine để phòng ngừa bệnh.
– Năm 2011, ước tính có khoảng 106 tấn kháng sinh đại diện cho 20 nhóm, chủ yếu thuộc các nhóm β-lactams, phenicols, quinolones và sulfonamides được sử dụng trong nuôi cá tra tại VN. Chất lượng thấp của các sản phẩm kháng sinh thương mại dẫn đến việc điều trị thất bại và hình thành các chủng vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh. Trái ngược với các sản phẩm kháng sinh được sử dụng trên người, có rất ít nghiên cứu đánh giá về chất lượng kháng sinh dùng trong nuôi trồng thủy sản. Do đó, mục tiêu của nghiên cứu này là nhằm đánh giá chất lượng của các sản phẩm kháng sinh thương mại được sử dụng rộng rải tại VN trong nuôi cá tra tại VN.
– Đã có 21 sản phẩm kháng sinh thương mại được sử dụng phổ biến trong nuôi cá tra, bao gồm 11 sản phẩm chứa một loại kháng sinh và 10 sản phẩm kết hợp của hai loại kháng sinh khác nhau được mua từ các của hàng bán thuốc thú ý thủy sản ở khu vực ĐBSCL, VN được dùng trong nghiên cứu này. Phương pháp sắc ký lỏng khối phổ hiệu năng cao siêu nhanh (Ultra High Performance Liquid Chromatography Mass Spectrometry) được sử dụng để phân tích nồng độ của các nhóm kháng sinh sulfonamides, trimethoprim, amoxicillin, cefalexin và ciprofloxacin; trong khi đó, nồng độ florfenicol và doxycycline được phân tích bằng phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao (High Performance Liquid Chromatography) với đầu dò UV. Hai lô sản phẩm khác nhau với 11 sản phẩm được chọn để phân tích và so sánh kết quả nồng độ kháng sinh trong các sản phẩm được công bố.
– Kết quả nghiên cứu cho thấy, chỉ có 4/11 sản phẩm kháng sinh đơn lẻ và 2/10 sản phẩm kháng sinh dạng kết hợp 2 loại kháng sinh khác nhau có hàm lượng hoạt chất nằm trong khoảng trên dưới 10% nồng độ kháng sinh được công bố trên bao bì sản phẩm. Hai sản phẩm dạng kết hợp 2 loại kháng sinh khác nhau (2/10) không chứa bất kỳ thành phần kháng sinh nào được nhà sản xuất công bố trên bao bì sản phẩm. So sánh giữa hai lô, khi phân tích 11 sản phẩm cho thấy nồng độ hoạt chất kháng sinh khác nhau, trong đó chỉ có 1 sản phẩm với hàm lượng thấp hơn 10% ở cả hai lô. Có rất nhiều sản phẩm cung cấp thông tin đầy đủ về cách tính liều lượng sử dụng và thời gian ngưng sử dụng sản phẩm sau khi điều trị, mặc dù họ không có bất kỳ thông tin nào về dược động học của kháng sinh trên cá tra.
– Kết quả nghiên cứu cho thấy sự cần thiết và cấp bách phải tăng cường kiểm tra chất lượng kháng sinh thường xuyên đối với các sản phẩm đang lưu hành trên thị trường, cũng như quá trình phê duyệt sản phẩm kháng sinh trước khi chúng được bán ra thị trường.
Chất lượng thực tế của các sản phẩm kháng sinh thương mại dùng trong nuôi cá tra tại Việt Nam, Nguồn: Phu TM, Phuong NT, Scippo M-L, Dalsgaard A (2015) Quality of Antimicrobial Products Used in Striped Catfish (Pangasianodon hypophthalmus) Aquaculture in Vietnam. PLoS ONE 10(4): e0124267. doi:10.1371/journal.pone.0124267.
]]>