Theo đánh giá của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), nhu cầu tiêu thụ thủy sản của thế giới hàng năm tiếp tục tăng do dân số tăng và tiêu dùng bình quân đầu người cũng tăng. Nhu cầu tiêu dùng với các sản phẩm giàu protein như tôm, cá, thịt, sữa tăng cao, đặc biệt là những sản phẩm hải sản từ 19kg/người năm 2000 tăng lên 26kg/người năm 2015 (GSO, 2015). Tuy vậy, người tiêu dùng ngày càng lo ngại với các sản phẩm chưa được kiểm soát tốt chất lượng trong quá trình sản xuất, phân phối, đặc biệt là những lo ngại về tồn dư hóa chất, kháng sinh, kim loại nặng,…Bên cạnh đó, quá trình thâm canh hóa trong nuôi trồng thủy sản đã tác động tiêu cực tới các vấn đề môi trường, xã hội. Xuất phát từ đó, nhiều chứng nhận nuôi trồng thủy sản, thực hành sản xuất tốt được đề xuất và áp dụng trong thực tế như: VietGAP, GlobalGAP, ASC, BAP, BMP,…nhằm thúc đẩy sản xuất sản phẩm thủy sản vệ sinh ATTP.
Vào ngày 26/6/2017 tại Hội trường khách sạn Cửu Long – thành phố Cần Thơ, Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) với sự tài trợ của WWF Hà Lan đã tổ chức cuộc hội thảo bàn về “Nhu cầu tiêu dùng sản phẩm thủy sản bền vững – có trách nhiệm ở thị trường nội địa” thuộc dự án “Sáng kiến chuyển đổi thị trường” với sự tham gia của gần 50 đại diện từ Chi cục Thủy sản các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, các doanh nghiệp thủy sản và các đơn vị đánh giá chứng nhận. Phía đại diện của tổ chức WWF đã trình bày nghiên cứu về đánh giá nhu cầu thị trường nội địa với các sản phẩm thủy sản có chứng nhận và thúc đẩy sản phẩm thủy sản có chứng nhận vào phân khúc tiêu dùng tại thị trường nội địa ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Qua nghiên cứu cho thấy, sản phẩm thủy hải sản được xem là sản phẩm sử dụng tốt cho sức khỏe, được sử dụng nhiều; phần lớn sản phẩm thủy hải sản được mua chợ truyền thống vì giá rẻ, đa dạng sản phẩm và tươi sống; người tiêu dùng tại các vùng khác nhau có sự tiếp cận và sử dụng các nguồn sản phẩm thủy sản khác nhau ví dụ như thủy sản nước ngọt được tiêu dùng nhiều hơn ở Hà Nội và hải sản nước mặn/lợ lại được ưa chuộng hơn ở Hồ Chí Minh và Cần Thơ; sản phẩm cần có đầy đủ giấy phép, chứng nhận an toàn thực phẩm và người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao hơn cho sản phẩm có chứng nhận nhưng tỷ lệ này không cao do các thông tin về sản phẩm có chứng nhận ASC ít người tiêu dùng biết đến trong thị trường nội địa và trong tương lai các sản phẩm thủy sản có chứng nhận đến tay người tiêu dùng sẽ tăng cao. Hội thảo kết luận rằng cần quảng bá tốt hơn các sản phẩm có chứng nhận, đảm bảo cho người tiêu dùng.
Nhu cầu tiêu dùng sản phẩm thủy sản bền vững-có trách nhiệm ở thị trường nội địa, Nguồn: Phòng Nuôi trồng Thủy sản-Chi cục Thủy sản thành phố Cần Thơ.
]]>