Năm 2017, diện tích nuôi tôm của Việt Nam trên 600.000 ha với 02 loài chính đó là tôm sú và tôm thẻ chân trắng, sản lượng đạt 680.000 tấn, giá trị xuất khẩu đạt 3,8 tỷ USD. Tôm Việt Nam được xuất khẩu sang 157 quốc gia và vùng lãnh thổ với các dạng sản phẩm như: tôm đông lạnh (90%), sản phẩm tôm GTGT (10%). Bên cạnh tôm biển, đối tượng nuôi chủ lực trong nước ngọt là cá tra cũng mang lại nguồn ngoại tệ lớn cho Việt Nam từ việc nuôi và chế biến xuất khẩu. Diện tích nuôi cá tra của Việt Nam năm 2017 đạt trên 6.000 ha với sản lượng 1,252 triệu tấn, sản phẩm cá tra được xuất khẩu sang 137 quốc gia, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,78 tỷ USD.

Sản phẩm tôm và cá tra Việt Nam tuy được xuất khẩu số lượng lớn cho nhiều quốc gia trên thị trường quốc tế nhưng tôm và cá tra Việt Nam chưa có thương hiệu quốc gia để quảng bá, quảng cáo ở nước ngoài. Do đó, ngày 08/9/2018 Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản tổ chức Hội thảo “Phát triển thương hiệu sản phẩm tôm và cá tra Việt Nam nhằm thúc đẩy tiêu thụ và đẩy mạnh xuất khẩu” tại Cần Thơ với trên 50 lượt người tham dự.

Tại Hội thảo, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản giới thiệu về tình hình chế biến, tiêu thụ và phát triển thị trường tôm và cá tra, từ đó đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Tiếp theo, Ông Võ Văn Sơn – Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế – Tổng Cục Thủy sản trình bày tham luận về Xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam. Để xây dựng thương hiệu thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế, công tác nâng cao chất lượng sản phẩm cũng được các Sở Ban Ngành đặc biệt quan tâm. Tại Hội thảo, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cũng báo cáo về công tác quản lý chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam, kết quả các Chương trình kiểm tra, giám sát ATTP quốc gia năm 2017.

Nhằm nâng cao kiến thức cho các cán bộ quản lý, doanh nghiệp kinh doanh thủy sản, Cục Sở hữu trí tuệ giới thiệu về Quy trình và thủ tục trong xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm tôm và cá tra Việt Nam, giới thiệu về thủ tục đăng ký bảo hộ thương hiệu sản phẩm ở nước ngoài.

Về khoa học và công nghệ, Ts. Nguyễn Thị Ngọc Tĩnh đại diện Viện Nghiên cứu NTTS II trình bày một số kết quả nghiên cứu khoa học về nuôi và chế biến tôm nước lợ và cá tra phục vụ cho xuất khẩu tại Việt Nam. Các thông tin về quy trình nuôi và chế biến tôm được cập nhật như: chương trình chọn giống tôm sú, công nghệ nuôi tôm tuần hoàn, nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính, tình hình nghiên cứu về bệnh tôm (hoại tử gan tụy cấp, đốm trắng,…), ứng dụng các chế phẩm sinh học trong nuôi tôm. Đối với cá tra, thành tựu khoa học công nghệ được ứng dụng trong chọn giống tính trạng tăng trưởng và kháng bệnh, công nghệ nuôi tuần hoàn, nghiên cứu về bệnh trên cá tra, nghiên cứu chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng (collagen).

Phần thảo luận, các đại biểu quan tâm và thảo luận về các giải pháp thúc đẩy phát triển thương hiệu thủy sản Việt Nam, các chính sách ưu đãi của chính phủ để phát triển ngành thủy sản, các định hướng nghiên cứu khoa học để phát triển nuôi, chế biên tôm và cá tra đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu.

Sau khi thảo luận đại diện Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản kết luận các doanh nghiệp cần quan tâm nhiều hơn nữa trong việc xây dựng chuỗi giá trị tôm và cá tra. Trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan cùng chính quyền địa phương là đẩy mạnh công tác tư vấn cũng như hỗ trợ về thủ tục pháp lý, để các doanh nghiệp xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu quốc gia sản phẩm tôm và cá tra./.

Hội thảo phát triển thương hiệu sản phẩm tôm và cá tra Việt Nam, Nguồn: Nguyễn Thị Thúy An – Phòng Nuôi trồng Thủy sản, Chi cục Thủy sản thành phố Cần Thơ.

]]>

By admin