<![CDATA[]]>
          Cứ đến hẹn lại lên, mỗi năm cứ đến mùa nước về từ khoảng tháng 8 đến tháng 10 âm lịch, nhiều nơi ở miền tây bà con náo nức chuẩn bị đồ nghề, dụng cụ báo hiệu cho mùa thu hoạch đặc sản sông nước đã đến.

       Tuỳ theo điều kiện tự nhiên và đối tượng thu bắt mà người dân nơi đây có nhiều dụng cụ để bắt; như kéo gió, lú, vớn, nơm, hoặc thậm chí là kéo lưới trên đồng, công cụ di chuyển của bà con lúc này chủ yếu là chiếc xuồng ba lá nhỏ để dể dàng di chuyển trên các con rạch nhỏ và cả trên đồng ruộng lúc này đã mênh mông nước.

       Đặc sản mùa nước nổi ở miền tây thì nhiều vô số kể từ các loài thực vật như bông súng ma, bông điên điển đến các loài động vật sống hang như chuột rắn, lươn đồng, cua….nhưng thật sự thiếu sót nếu không kể đến các loài cá đã làm nên hương vị mùa lũ mà bất kể người con miền tây nào khi xa xứ vẫn mong ngóng cái hương vị rất riêng mà chỉ quê mình mới có. 

       Nói đến các món ăn dân dã đã tạo nên thương hiệu đặc sản miền tây mùa mước lũ thì không thể nào không kể đến các món ăn làm từ con cá linh, một loài cá từ thượng nguồn An Giang, Đồng Tháp xuôi theo dòng nước đổ về đồng, trong quá trình xuôi dòng cá cũng đồng thời gia tăng về sinh trưởng, các món ăn làm từ cá linh có thể kể đến như mắm cá linh, cá linh kho lạt, cá linh nấu lẩu chua… mà để tạo nên hương vị riêng thì khi kết hợp với bông súng và bông điên điển trong cái tiết mưa dầm của mùa lũ tất cả đã tạo nên một nét rất riêng của miền tây. Bên cạnh đó các món ăn mùa lũ nơi này còn phải kể đến như gỏi tép trấu trộn bông điên điển, ốc bưu kho xả, canh chua ốc, lẩu rắn, lẩu lươn đồng hay chỉ đơn giản là nồi canh cua mẹ nấu.

        Thật may mắn khi là một người con của miền tây, đã nhận tất cả những sản vật mà thiên nhiên nơi đây ban tặng, tôi cho rằng không chỉ riêng tôi mà bất kể người nào khi đã đặt chân đến miền tây mùa nước nổi cũng sẽ khó quên trong kí ức của mỗi người.

                                                Thuý Anh – LLTS Ô Môn – Thới Lai – Cờ Đỏ

]]>

By admin