<![CDATA[]]>
        Ngày 15/11/2023 Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đã chủ trì tổ chức Khóa Tập huấn “Nâng cao nhận thức, năng lực bảo hộ nhãn hiệu trong và ngoài nước cho doanh nghiệp nông nghiệp, hướng đến xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia cho các mặt hàng nông, lâm, thủy sản” tại khách sạn Đông Hà – Fortuneland. Buổi tập huấn nhằm phổ biến các quy định, kiến thức cơ bản về nhãn hiệu, bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm nông sản của doanh nghiệp trong nước và quốc tế, với sự tham gia trực tiếp của khoảng 100 đại biểu đến từ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nông sản, Hiệp hội; Đại diện Cơ quan quản lý trung ương và địa phương khu vực Tây nguyên và Đồng bằng Sông Cửu Long.

Hình: Tập huấn “Nâng cao nhận thức, năng lực bảo hộ nhãn hiệu trong và ngoài nước cho doanh nghiệp nông nghiệp, hướng đến xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia cho các mặt hàng nông, lâm, thủy sản”

        Ông Tại Quang Kiên – đại diện Cục chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường thông tin tính đến tháng 12/2022, cả nước có 1.899 nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận đối với các sản phẩm nông sản, trong đó tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long có 471 nhãn hiệu bao gồm 399 nhãn hiệu tập thể, 72 nhãn hiệu chứng nhận, chiếm tỷ lệ khoảng 24,8% cho thấy số lượng đăng ký và chứng nhận nhãn hiệu nông sản, thủy sản vẫn còn thấp so với sản phẩm tiềm năng có sẵn của địa phương.

        Ông Trần Quang Vũ đại diện Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí đã nêu lên thực trạng tình hình vi phạm nhãn hiệu, hàng nhái, giả tại Việt Nam, ông cho biết vấn đề nhức nhối nhất xảy ra tại sân nhà đó là hiện tượng hàng nhái và hàng giả Gạo Ông Cua được bày bán rộng rãi tại các thị trường đặc biệt là phía Bắc của Việt Nam. Vì vậy, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là cực kỳ cấp bách và cần thiết trong việc bảo vệ quyền lợi và uy tín của Doanh nghiệp. Chỉ khi được bảo hộ một cách chính thức thì mới có thể xử lý các vấn đề xâm phạm, mặc dù sẽ tốn rất nhiều thời gian và chi phí để xử lý từng trường hợp xâm phạm quyền.

        Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ đã trình bày bài học tình huống về trường hợp xâm phạm, tranh chấp nhãn hiệu tại thị trường quốc tế và đề xuất giải pháp nâng cao nhận thức, hiểu biết cho doanh nghiệp. Ở một số quốc gia khác nhau, quy định về xâm phạm và xử lý xâm phạm quyền SHTT đối với nhãn hiệu không giống nhau. Do đó, trong các tình huống nhãn hiệu của doanh nghiệp Việt Nam bị xâm phạm ở thị trường nước ngoài, vấn đề pháp luật của nước sở tại cũng như pháp luật quốc tế, kinh nghiệm lập pháp cũng như thực tiễn áp dụng pháp luật của các quốc gia là các vấn đề được quan tâm hàng đầu.

        Trong thời gian qua, việc xây dựng nhãn hiệu bao gồm: nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận đã trở thành một định hướng quan trọng nhằm thúc đẩy sức cạnh tranh, giá trị của các nông sản đặc sản, góp phần tổ chức sản xuất, phát triển thị trường trên cơ sở lợi thế về điều kiện sản xuất, văn hóa bản địa. Buổi tập huấn đã góp phần hoàn thiện các cơ chế, chính sách để đẩy mạnh hoạt động khuyến khích, hỗ trợ cho doanh nghiệp và các tổ chức nông dân (hợp tác xã, tổ hợp tác…) trong xây dựng, quản lý khai thác và phát huy giá trị nhãn hiệu sản phẩm.

Lê Ngọc Phương Đào- Nuôi trồng thủy sản

]]>

By admin