Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tôm (Bộ NN&PTNT), hiện nay có khoảng 10 loại hóa chất thường được sử dụng trong ao nuôi tôm với mục đích khử trùng, diệt khuẩn nước ao trước khi thả giống cũng như xử lý nước định kỳ trong quá trình nuôi để phòng ngừa dịch bệnh. Tuy nhiên, qua đánh giá chỉ có một vài loại hóa chất là có hiệu quả diệt khuẩn cao trong môi trường ao nuôi tôm.
– Cụ thể, các loại hóa chất được dùng phổ biến gồm Chlorine, TCCA, BKC, Iodine, DKS, Max 80, Aqua Ominicide, Vicato và Guardo. Trong đó, Chlorine được dùng khá phổ biến với mục đích khử trùng nguồn nước cho ao nuôi và trong những trường hợp ao nuôi bị bệnh, còn BKC và Iodine được dùng nước ao nuôi để khử trùng nuôi tôm. Việc sử dụng hóa chất chủ yếu được khuyến cáo từ các nhà phân phối sản phẩm và những hộ nuôi khác trong vùng thông qua trao đổi kinh nghiệm nên người nuôi tôm không nhận biết được hiệu quả của hóa chất.
– Đánh giá hiệu quả các sản phẩm hóa chất dùng trong nuôi tôm gồm TCCA, BKC, Iodine, Max80, Guardo và Chlorine thông qua tiến hành thử nghiệm hiệu quả diệt khuẩn các hóa chất này với nồng độ theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất thấy các hóa chất BKC, Iodine, Max80 và Guardo không có hiệu quả diệt khuẩn gây bệnh trong môi trường ao nuôi tôm. Chlorine và TCCA là hai loại hóa chất có hiệu quả cao trong việc diệt khuẩn gây bệnh.
– Kết quả thử nghiệm sử dụng Chlorine trong diệt khuẩn Vibrio parahaemolitycus và Vibrio vulnificus (tác nhân gây bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm) trong phòng thí nghiệm cho thấy 100% các mẫu Chlorine thu được từ các vùng nuôi (bao gồm Chlorine do Nhật Bản và Trung Quốc sản xuất) đều cho hiệu quả cao trong việc diệt khuẩn với nồng độ từ 5 ppm.
– Bên cạnh đó, việc sử dụng kháng sinh để phòng và trị bệnh bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm cho kết quả không ổn định do sự lạm dụng thuốc và khả năng kháng thuốc của vi khuẩn phát triển nhanh. Do đó, sử dụng thuốc kháng sinh để phòng và trị bệnh cho tôm nuôi phải dựa theo phác đồ và có giải pháp hướng dẫn của cán bộ chuyên môn. Quan trọng hơn, cần có giải pháp thay thế thuốc kháng sinh bằng các chế phẩm vi sinh và chất tăng cường miễn dịch của tôm để phòng bệnh hoại tử gan tụy cấp nói riêng và bệnh tôm nói chung.
– Mặt khác, kết quả khảo sát và đánh giá nhanh cho thấy những loại sản phẩm đang lưu hành trên thị trường có chất lượng kém, không đúng với chất lượng đã công bố. Do đó cần có biện pháp quản lý chất lượng thuốc, hóa chất sử dụng trong nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi tôm nói riêng, đặc biệt là các sản phẩm thuốc kháng sinh và hóa chất diệt khuẩn, nhằm đảm bảo lợi ích của người nuôi cũng như sự phát triển bền vững của nghề nuôi tôm.
– Ngoài ra, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tôm cũng cho biết, trong năm 2014, bệnh phân trắng xuất hiện trở lại và gây thiệt hại cho tôm nuôi trên diện rộng. Đề nghị thực hiện giám sát các yếu tố có liên quan đến sự xuất hiện của bệnh phân trắng ở tôm nước lợ trong năm 2015.
Sản phẩm diệt khuẩn hiệu quả trong nuôi tôm, Nguồn: Tạp chí Thủy sản VN (Thuysanvietnam.com.vn.)
]]>