Công nghệ Blockchain và khả năng ứng dụng giám sát chất lượng trong chuỗi giá trị cá tra

        Từ 2015, công nghệ blockchain được đề cập rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng khắp thế giới. Theo các chuyên gia, Blockchain là công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin (trên nền tảng kết nối mạng Internet) bằng các khối thông tin (Block) được liên kết với nhau (Chain) và mở rộng theo thời gian. Mỗi khối chứa đựng các thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết với các khối trước đó. Hệ thống Blockchain bao gồm nhiều nút độc lập có khả năng xác thực thông tin. Ngay cả khi một phần của hệ thống Blockchain gặp trục trặc, những máy tính và nút khác vẫn sẽ tiếp tục hoạt động để bảo vệ thông tin (quản lý dữ liệu phi tập trung). Blockchain được thiết kế để chống lại sự thay đổi dữ liệu (được mã hóa để bảo mật) và thông tin chỉ được bổ sung thêm vào hệ thống khi có sự đồng thuận của tất cả các nút trong hệ thống (minh bạch, đồng thuận ngang hàng và không thể làm giả).

          Từ các cơ sở dữ liệu cơ bản trên cho thấy Blockchain là hình thức quản lý cơ sở dữ liệu mới mà các bên tham gia không thể gian dối hay giả mạo thông tin. Các bên có thể kiểm chứng/xác thực lẫn nhau qua đó đảm bảo tính minh bạch và chất lượng thông tin. Công nghệ Blockchain đã và đang được ứng dụng ngày càng rộng rãi trên thế giới trong nhiều ngành/lĩnh lực như tài chính, nông nghiệp, giao thông, y tế, bán lẻ, chuỗi cung ứng, v.v… Đối với lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam, đã có những ứng dụng cụ thể của công nghệ Blockchain giúp tăng hiệu quả sản xuất và kinh doanh một số sản phẩm nông nghiệp như xoài cát Chu Thành (Đồng Tháp), tiêu, vải thiều, v.v…

        Trong thực tế sản xuất chuỗi giá trị cá tra, việc ứng dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc hàng hóa nhằm minh bạch thông tin giữa các bên tham gia là rất cần thiết. Việc ứng dụng công nghệ Blockchain trong giám sát chuỗi giá trị sản phẩm cá tra giúp tăng tính minh bạch, sự trung thực, có sự kiểm chứng/xác thực của các bên liên quan và theo thời gian thực (real time). Các loại thông tin về quy trình sản xuất cá bột, cá giống, quá trình nuôi cá nguyên liệu và chế biến cá thương phẩm (ví dụ như nguồn gốc cá bố mẹ, tuổi cá bố mẹ; nguồn gốc, thời gian và liều lượng sử dụng các loại thuốc, chất dinh dưỡng, thức ăn cho cá giống; vị trí, diện tích ao nuôi; thời điểm, kích thước, số lượng cá giống thả nuôi; chất lượng môi trường nuôi; tỷ lệ mỡ, kích thước cá thương phẩm, v.v…), khi được tích hợp vào cơ sở dữ liệu Blockchain sẽ được minh bạch hóa và được xác thực/kiểm chứng giữa các bên tham gia. Điều này sẽ giúp tăng lòng tin giữa các bên tham gia trong chuỗi, đảm bảo và nâng cao chất lượng của sản phẩm. Nhờ đó giá trị sản phẩm và thương hiệu sẽ tăng lên, giúp giảm rủi ro, tăng tính bền vững (của chuỗi), giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận./.

Nguyễn Thị Thúy An

You may also like...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *