Hội nghị Tổng kết nuôi thủy sản thành phố Cần Thơ 2014

Ngày 31/12/2014 Chi cục Thủy sản Cần Thơ tổ chức Hội nghị Tổng kết nuôi thủy sản thành phố Cần Thơ 2014 và kế hoạch năm 2015. Hội nghị có sự tham dự của Đ/c Nguyễn Minh Thạnh – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT; đại diện Lãnh đạo các ngành: Hiệp hội Thủy sản Cần Thơ, Chi cục Phát triển Nông thôn, Trung tâm giống Cây trồng – Vật nuôi – Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông – Khuyên ngư, Chi cục Thủy sản, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Phòng Kinh tế, Phòng Nông nghiệp, Trạm Khuyến nông thuộc quận, huyện của Tp. Cần Thơ; nông dân và chủ cơ sở sản xuất giống thủy sản Cần Thơ; Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc; Trung tâm giống nông nghiệp Hậu Giang, Trung tâm giống nông nghiệp Vĩnh Long; đại diện Lãnh đạo các công ty: Công ty Cổ phần EWOS Việt Nam,Công ty Cổ phần sản xuất thức ăn thủy sản Tomboy, công ty Cổ phần Nam.

hoi thao nuoi thuy san can tho 2014

Trong năm 2014, Chi cục Thủy sản thực hiện công tác quản lý vùng nuôi, hướng dẫn người dân đầu tư và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các mô hình nuôi thủy sản và đã được kết quả rất khả quan.

1. Tình hình thực hiện kế hoạch năm 2014
a) Diện tích và sản lượng nuôi thủy sản:
– Năm 2014, tuy còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và thị trường tiêu thụ nhưng ngành thủy sản Cần Thơ đã có tiến bộ vượt bậc với diện tích nuôi trồng thủy sản là 13.195 ha, sản lượng đạt 201.615 tấn. Diện tích và sản lượng năm 2014 đều đạt và vượt so với cùng kỳ năm 2013.

– Sản xuất cá bột: Có 105 cơ sở sản xuất giống cá bột, diện tích ương giống 966 ha, lượng giống 1,25 tỷ con giống các loại, về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu con giống thủy sản của thành phố và cung cấp một phần sang các tỉnh lân cận.

– Về nuôi cá tra: Diện tích thả nuôi đến cuối năm 2014 là 831 ha; diện tích nuôi theo tiêu chuẩn ASC, VietGAP, GlobalGAP, BAP là 53 ha. Sản lượng thu hoạch 150.634 tấn, năng suất bình quân đạt 250 tấn/ha; Diện tích cá tra giống 659 ha, sản lượng 380 triệu giống.

– Về nuôi tôm càng xanh: Diện tích nuôi tôm càng xanh 60 ha. Trong đó: nuôi trái vụ 5 ha.

– Về nuôi cá ruộng: Các đối tượng nuôi chủ yếu: cá chép, cá mè, sặc rằn, … Các hộ nuôi cá ruộng đã chủ động hơn về con giống nên tình hình thiếu hụt con giống thủy sản vào chính vụ nuôi được khắc phục. Diện tích nuôi cá ruộng 8.846 ha, sản lượng 7.069 tấn.

– Về nuôi cá rô, cá lóc: Cá rô nuôi ao và cá lóc nuôi vèo là chủ yếu. Tổng diện tích nuôi 175 ha, sản lượng đạt 6.475 tấn.

– Về nuôi cá điêu hồng: nuôi bè là chủ yếu với 197 bè, sản lượng 964 tấn.

– Các đối tượng thủy đặc sản khác (lươn, ếch): Nuôi lươn trong bể lọt bạt: 860 bể, sản lượng 258 tấn. Nguồn giống chủ yếu từ tự nhiên. Nuôi ếch trong giai lưới: 2.000 giai lưới, sản lượng 1.400 tấn.

b) Phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với kiểm soát chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm:
– Đã tổ chức các lớp tập huấn triển khai các văn bản quy phạm pháp luật quản lý ngành về ATTP, các tiêu chuẩn thủy sản: VietGAP, ASC, Global GAP, BAP, … Phối hợp với Tổng cục Thủy sản triển khai áp dụng VietGAP trên một số đối tượng như: lươn, ếch, cá tra, cá rô phi ở huyện Vĩnh Thạnh, quận Ô Môn, quận Thốt Nốt. Trong năm 2014, tổ hợp tác nuôi lươn ở huyện Vĩnh Thạnh đã được chứng nhận VietGAP.

– Công tác khuyến ngư: Triển khai tập huấn kỹ thuật về nuôi thủy sản ATTP và tuyên truyền phổ biến văn bản qui phạm pháp luật, kỹ thuật nuôi thủy sản, tiêu chuẩn VietGAP trong nuôi trồng thủy sản. Trong năm Chi cục đã xây dựng điểm trình diễn trên 05 đối tượng: tôm càng xanh, cá chạch lấu, cá thát lát và cá tai tượng da beo (cá cảnh).

– Kết quả mô hình:
+ Mô hình nuôi tôm càng xanh kết hợp cá chạch lấu: kết hợp với cá chạch lấu là một trong những mô hình thử nghiệm mới nhằm tăng hiệu quả sản xuất, thu được lợi nhuận cao từ cả hai đối tượng.
+ Mô hình nuôi cá thát lát còm trong ao bằng thức ăn viên thu được kết quả khả quan sau 06 tháng nuôi: cá phát triển tốt, đạt kích cỡ thương phẩm 400 – 500 g/con.
+ Mô hình nuôi cá thát lát còm trong giai bằng thức ăn viên, đây là mô hình áp dụng các nông hộ quy mô nhỏ, diện tích mặt nước từ vài chục đến vài trăm mét vuông, thời gian nuôi 8 tháng; sản phẩm chủ yếu tiêu thụ ở địa phương và nông hộ, góp phần tăng thu nhập cho người dân nông thôn.
+ Mô hình nuôi đặc sản (cá chạch lấu): Đây là mô hình rất có triển vọng phát triển, thị trường trong nước có nhu cầu lớn về sản phẩm này. Ngoài ra, thị trường xuất khẩu đối với cá chạch lấu rất có tiềm năng.
+ Mô hình nuôi cá cảnh: Đây là mô hình mới và đòi hỏi kỹ thuật cao vì yêu cầu thị trường rất khắc khe về chất lượng. Trong năm đã triển khai mô hình nuôi cá tai tượng da beo, bước đầu kết quả khả quan. Giá cá từ 20.000 – 25.000 đ/con (cỡ 10 cm) và được tiêu thụ ở thị trường Tp. HCM và các tỉnh lân cận. Có lợi nhuận khá cao, lãi từ 5.000 – 6.000 đ/con.

c) Các đề tài – dự án: Thực hiện đề tài: “Ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử để đánh giá mức độ di truyền trong sản xuất giống cá tra ở ĐBSCL”, xây dựng lồng ghép các chương trình khuyến ngư – chương trình thủy sản giúp xã nông thôn mới xây dựng mô hình thủy sản hiệu quả. Xây dựng xong dự án vùng công nghiệp sản xuất giống tập trung Thới Hưng (200 ha) đã trình Sở NN&PTNT kêu gọi đầu tư. Phối hợp với công ty EWOS thử nghiệm thức ăn viên thay thế trùn chỉ trong ương cá thát lát còm. Bước đầu kết quả khả quan, tuy nhiên tỉ lệ sống còn thấp. Trong năm 2015 sẽ tiếp tục thực hiện với Cty EWOS để hoàn chỉnh kỹ thuật ương.

d) Đánh giá chung:
– Có được sự thắng lợi nhờ sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Sở NN&PTNT; UBND TP. Cần Thơ; việc phối hợp giữa các đơn vị chức năng tại địa phương có sự chuẩn bị chu đáo, đồng bộ trong việc xây dựng, triển khai thực hiện và định kỳ kiểm tra; sự phối hợp nhiệt tình của các hộ nuôi và cán bộ kỹ thuật trong triển khai thực hiện các mô hình.

– Tuy nhiên, bước đầu áp dụng nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… mức phí tư vấn, đánh giá, chứng nhận còn cao nên gặp khó trong khâu mở rộng và áp dụng. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng chưa tương xứng với tốc độ phát triển của ngành. Chưa đầu tư được vùng nuôi thủy sản chuyên, tập trung quy mô và hiện đai.

2. Kế hoạch năm 2015
a) Phương hướng:
Thực hiện nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch, kế hoạch, áp dụng các quy phạm, quy chuẩn vào sản xuất. Tiếp tục tổ chức lại sản xuất cá tra theo hướng hình thành liên kết sản xuất. Triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Chính phủ, Bộ Ngành liên quan đến quản lý và nuôi trồng thủy sản. Đồng thời tham mưu ban hành các văn bản, chương trình hỗ trợ phát triển thủy sản nhằm tạo cầu nối giữa người nuôi và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu góp phần cân đối cung cầu chuỗi sản xuất, để đảm bảo được tình trạng ổn định của giá cả, mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi. Ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng nuôi tập trung, nhằm hiện đại hóa các vùng nuôi này, giúp tăng trưởng ổn định và bền vững.

b) Các chỉ tiêu chủ yếu năm 2015:
– Diện tích, sản lượng nuôi trồng thuỷ sản, sản xuất giống (các đối tượng chính): Giữ ổn định diện tích và sản lượng các đối tượng nuôi chính, nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả nuôi.

– Mô hình nuôi trồng thủy sản: Tiếp tục đầu tư và từng bước hoàn thiện kỹ thuật nuôi, không ngừng phát triển một số đối tượng tiềm năng, tập trung đầu tư mô hình thủy sản trên cơ sở phát huy lợi thế của từng địa phương. Thực hiện xã hội hóa mô hình thủy sản; hợp tác, phối hợp, liên kết với các công ty, đơn vị, viện, trường trong xây dựng và thực hiện mô hình khuyến ngư. Không ngừng xây dựng mối liên kết giữa người nuôi, doanh nghiệp, nhà quản lý nhằm đảm bảo sản xuất có hiệu quả và bền vững.

c) Nhiệm vụ, giải pháp:
– Về quy hoạch: Thực hiện rà soát điều chỉnh quy hoạch Thủy sản. Trong đó, quy hoạch cá tra theo quy hoạch của Bộ NN&PTNT. Quy hoạch vùng sản xuất giống tập trung, quy hoạch các đối tượng có giá trị kinh tế, giá trị xuất khẩu: cá rô phi, cá thát lát, lóc, rô… nhằm phát huy lợi thế từng vùng.

– Về xây dựng hạ tầng kỹ thuật: Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình đang thực hiện để nhanh chóng đưa vào sử dụng. Xây dựng các dự án: dự án khu công nghiệp sản xuất giống tập trung, dự án cơ sở hạ tầng nuôi cá tra quy mô 100 ha.

– Về sản xuất và cung ứng giống: Sản xuất con giống và bột theo hướng đảm bảo chất lượng và cơ bản cung cấp đủ cho nhu cầu nuôi.

– Về nuôi trồng thủy sản: Hoàn thành việc rà soát quy hoạch nuôi trồng thủy sản và quy hoạch nuôi cá tra của Tp. Cần Thơ. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai VietGAP trong nuôi trồng thủy sản. Tập huấn về kỹ thuật nuôi thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm. Đa dạng các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế như (cá chạch lấu, thát lát, lươn, cá lóc, rô…) đồng thời phát triển đối tượng cá rô phi làm đối tượng xuất khẩu chủ lực sau cá tra. Triển khai thực hiện VietGAP trong nuôi trồng thủy sản theo quy định.

– Về phòng chống dịch bệnh (quan trắc môi trường, cảnh báo sớm dịch bệnh): Phối hợp với Chi cục Thú y xây dựng và thực hiện biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho động vật nuôi thủy sản. Theo dõi diễn biến thời tiết, chất lượng nguồn nước là vào thời điểm giao mùa cá tôm dễ bị bệnh, kịp thời cảnh báo hướng dẫn người dân phòng trị bệnh bảo vệ tôm cá nuôi góp phần nâng cao hiệu quả nuôi trồng.

Hội nghị Tổng kết nuôi thủy sản thành phố Cần Thơ 2014, Chi cục Thủy sản Cần Thơ.

LÂM PHÚC NHÂN

Tổng Ban Biên Tập

You may also like...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *