Điểm cần lưu ý khi nuôi cá Bống Tượng

Cá bống tượng là một trong những loài thuỷ đặc sản được nuôi phổ biến ở đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Cần Thơ nói riêng vì đây là một đối tượng có giá trị kinh tế cao. Cá bống tượng không khó nuôi và là đối tượng nuôi góp phần xoá đòi giảm nghèo của địa phương. Diện tích nuôi cá bống tượng không quá lớn, thường chỉ từ vài chục đến vài trăm mét vuông nên bà con nông dân có thể tận dụng diện tích mương vườn của gia đình là có thể thả nuôi.

1. Tổng quan
– Hiện nay, cá bống tượng chủ yếu được xuất khẩu nên giá cá thương phẩm khá cao. Anh Võ Văn Chiến là một nông dân với năm năm kinh nghiệm nuôi cá bống tượng tại xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ cho biết sau mỗi vụ nuôi, bình quân anh thu lợi nhuận từ 16 – 18 triệu đồng cho 350 m2 ao nuôi cá bống tượng với giá bán cá bống tượng loại I là 390.000đ/kg. Tuy nhiên, anh Chiến cho biết cái khó khăn lớn nhất khi nuôi cá bống tượng là tỉ lệ sống thấp nên năng suất không cao từ đó đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả kinh tế của mô hình.

– Mặc dù trong những năm qua, Chi cục Thuỷ sản đã tổ chức nhiều cuộc tập huấn giúp cho bà con nắm bắt tốt kỹ thuật. Tuy nhiên, thực tế cho thấy bà con nông dân vẫn gặp phải một số vần đề trong suốt quá trình nuôi nên năng suất và hiệu quả kinh tế chưa cao. Do đó, khi nuôi cá bống tượng thâm canh trong ao, bà con cần lưu ý một số vấn đề thường gặp phải trong suốt quá trình nuôi:
+ Ao nuôi cá bống tượng có diện tích từ 200 – 500 m2 là tốt nhất để tiện chăm sóc, quản lý và thu hoạch. Bờ ao phải thông thoáng, không có lỗ mọi. Do cá bống tượng có tập tính sống chui rút trong bùn nên đáy ao cần phải sên vét và phơi thật kỷ, chỉ chừa lại một lớp bùn đáy dày khoảng 10 – 15cm. Mực nước trong ao từ 1,5 – 2m. Tốt nhất là nên có ao lắng để xử lý nước trước khi cấp cho ao nuôi.
+ Trong ao nuôi cá bống tượng nên bố trí sàn ăn với số lượng 2 – 3 sàn ăn cho100 m2.
+ Chọn giống: là yếu tố quan trọng nhất. Hiện nay cá bống tượng đã được sản xuất nhân tạo nên bà con có nhiều lựa chọn. Tuy nhiên con giống tốt nhất để thả nuôi nên có kích cỡ từ 100g/con trở lên. Kích cỡ phải đồng đều, màu sắc sáng bóng, vảy đều, các tia vây phải đầy đủ và nguyên vẹn, cá giống phải phản ứng và bơi lội nhanh nhẹn. Kiểm tra đuôi cá xem cá có hoạt động bình thường không để tránh trường hợp người bán bơm nước hoặc tạp chất vào cơ thể cá.
+ Cá bống tựơng mới đem về không nên thả ngay vào ao nuôi. Nên trữ cá vào bể ương từ 7 – 10 ngày, cho cá ăn và theo dõi cá hằng ngày giúp người nuôi chọn những con khoẻ mạnh để thả nuôi. Nếu có nhiều kích cỡ thì phải lọc chọn những con đồng cỡ để nuôi chung thì cá mới lớn đều.
+ Mật độ thả nuôi 2 – 3 con/m2. Nơi có nước lưu thông theo thủy triều có thể nuôi ở mật độ 4 – 5 con/m2, nơi có nước lưu thông liên tục có thể thả nuôi với mật độ 7 – 10 con/m2. Ở điều kiện nước lưu thông liên tục cá tăng trưởng nhanh hơn từ 10 – 20%. Trước khi thả nuôi nên tắm nước muối 2 – 3g/1lít nước từ 10 – 15 phút để phòng bệnh ký sinh trùng cho cá, hoặc formol 25ml/m3 nước, thuốc tím 20g/m3 nước trong 15 – 30 phút.
+ Cho ăn: Cá bống tượng ăn động vật nên trong ao nuôi cá bống tượng nên thả một số loại cá nhỏ như cá bạc đầu, cá sặc bướm, tép để làm thức ăn tự nhiên cho cá. Khi cho cá bống tượng ăn , thức ăn phải được rửa sạch bằng nước muối, băm nhỏ cho vừa miệng cá và để vào sàn ăn. Thức ăn cho cá bống tượng phải được đảm bảo chất lượng. Cá bống tượng thích ăn thức ăn còn tươi, thức ăn ương, bốc mùi, có tẩm hóa chất sẽ dễ làm cá bị bệnh. Đối với cá bống tượng có kích cỡ dưới 100g/con, khẩu phần cho cá ăn dao động 6 – 10% trọng lượng thân, cỡ cá từ 100g/con trở lên, khẩu phần ăn hàng ngày dao động 3 – 5% trọng lượng thân. Tuy nhiên khẩu phần cho cá ăn mỗi ngày còn tùy vào tình hình sức khỏe của cá và thời tiết trong ngày. Cá bị stress hoặc trời lạnh kéo dài cá thường giảm ăn. Vì vậy người nuôi cần theo dõi chặt chẽ để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.

2. Quản lý chăm sóc
– Định kỳ một tháng tiến hành thay nước cho ao nuôi cá bống tượng. Mỗi lần thay nước tối đa 50% lượng nước trong ao. Nên rút bọng đáy ao để rút nước dơ và các chất bẩn ở tầng đáy ao nuôi. Ngoài ra nên sử dụng các loại chế phẩm vi sinh để làm sạch đáy ao nuôi.

– Thường xuyên kiểm tra cống, bọng, bờ bao để tránh thất thoát cá, nên kiểm tra pH ao nuôi nhất là sau những trận mưa để kịp thời điều chỉnh.

– Kiểm tra sàn ăn để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Thông thường sau khi cho cá ăn sau 2 giờ nên kiểm tra sàn ăn, nếu còn dư thì phải vớt bỏ, vệ sinh và phơi sàn ăn. Tránh cho ăn thừa dễ làm ô nhiễm ao nuôi.

– Chỉ nên cho cá ăn 2 lần/ngày, buổi sáng và chiều tối. Cá bắt mồi mạnh vào buổi nào thì cho ăn nhiều vào buổi đó.
Trong ao nuôi cá bống tượng tốt nhất nên thả lục bình hoặc trồng bông súng để làm nơi ẩn nấp cho cá.

3. Quản lý dịch bệnh
Thường xuyên kiểm tra hoạt động của cá vào sáng sớm. Nếu ban ngày cá bống tượng không đớp mồi là điều kiện sống trong ao nuôi chưa tốt. Vì vậy cần kiểm tra lại chất lượng nước ao nuôi để có những điều chỉnh kịp thời. Bổ sung men vi sinh và vitamin C trong khẩu phần ăn cho cá để tăng cường sức đề kháng và phòng bệnh cho cá. Cá bống tượng không khó nuôi, tuy nhiên trong quá trình nuôi cá bống tượng cũng thường bị một số bệnh.

a) Bệnh mất nhớt:
– Dấu hiệu bệnh lý: Khi bị bệnh khắp da cá có một lớp nhớt dày bao phủ. Cá tách đàn, bơi lội yếu ớt. Cá kém ăn hoặc bỏ ăn. Trên thân từng vùng bị trắng. Bệnh nặng xuất hiện các vết loét ăn sâu vào cơ là cơ hội để nấm và ngoại ký sinh phát triển. Bệnh nặng cá chết chìm xuống đáy ao.

– Cách phòng bệnh: Tránh các yếu tố gây sốc cho cá, định kỳ hoặc trước những cơn mưa to tạt vôi bột CaCO3 với liều 5 – 7kg/100 m2 vào ao nuôi.

– Trị bệnh: dùng formol 25ml/m3 nước, ngâm cá để diệt nấm và ngoại ký sinh, sau 24 giờ thay 50% nước rồi dùng lặp lại thuốc với liều trên một lần nữa. Phối hợp trộn kháng sinh Flophenicol vào thức ăn cho cá ăn liên tục 4 – 5 ngày để trị bệnh cho cá.

b) Bệnh đốm đỏ:
– Dấu hiệu bệnh lý: Do vi khuẩn Pseudomonas punotata hoặc Aeromonas hydrophila. Thân và vùng bụng bị xuất huyết, vảy dựng lên, các gốc vây xuất huyết và ứ nước vàng. Bụng cá trương to, chứa dịch và đỏ bầm. Ở một số cá bệnh mắt, hậu môn lồi ra, một số vây cá bị rách xơ xác dần dần bị rụng, bên trong thịt ứ máu và mủ. Cá lội lờ đờ, chậm chạp, ít ăn hoặc bỏ ăn.

– Cách phòng bệnh: không nuôi mật độ quá dày, cho ăn đầy đủ về số lượng và chất lượng, môi trường ao nuôi luôn giữ ổn định và sạch sẽ. Định kỳ 15 ngày dùng vôi bột CaCO3 với lượng 5 – 7 kg/100 m2 tạt đều khắp ao.

– Trị bệnh: Sử dụng kháng sinh Neomycine 4g/100kg cá bệnh, thuốc được trộn vào thức ăn, cho ăn liên tục từ 5 – 7

c) Bệnh lở loét:
– Dấu hiệu bệnh lý: Do nhiều nguyên nhân kết hợp như siêu vi (virus), vi khuẩn, nấm thuỷ mi, nấm nội Aphanomyces, giáp xác ký sinh, môi trường nước quá dơ bẩn , nhiệt độ thay đổi.

– Triệu chứng: Cá ít ăn hoặc bỏ ăn, hoạt động lờ đờ, bơi nhô đầu lên mặt nước, da cá nhợt nhạt và xuất hiện các vết loét dần dần lan rộng có thể ăn sâu đến xương. Cơ quan nội tạng hầu như không bị thương tổn.

– Cách phòng bệnh: Luôn giữ môi trường sạch, định kỳ dùng vôi bột, các hoá chất xử lý đáy ao. Khi trong khu vực xảy ra dịch bệnh cần hạn chế thay nước hoặc nước phải được khử trùng trước khi đưa vào ao nuôi.

– Trị bệnh: Dùng thuốc tím 3g/m3 kết hợp với muối ăn 0,3kg/m3 tạt xuống ao. Đồng thời trộn kháng sinh Oxytetracyline cho ăn liên tục từ 5 – 7 ngày với liều 2 mg/kg cá bệnh, bổ sung vitamin C 3g/kg thức ăn.

d) Bệnh ngoại ký sinh:
– Dấu hiệu bệnh lý: Do các sinh vật rất nhỏ bám vào mang, da của cá để hút máu hoặc chất dinh dưỡng gây nên những vết thương, lở loét, xuất huyết. Khi bị bệnh màu sắc cá trở nên nhợt nhạt, cá thích tập trung ở nơi có đường nước chảy vào. Bệnh xuất hiện khi mật độ nuôi dầy, điều kiện vệ sinh kém, mưa kéo dài, thời tiết lạnh.

– Cách phòng trị bệnh: thả nuôi mật độ vừa phải, tránh để ao bị ô nhiễm.

– Trị bệnh: dùng formol tạt xuống ao với nồng độ 20 – 25ml/m3.

e) Bệnh nấm thuỷ mi:
– Dấu hiệu bệnh lý: khi nấm mới ký sinh, mắt thường khó nhìn thấy, phần cuối của sợi nấm đâm sâu vào thịt cá, phần đầu sợi nấm lơ lửng trong nước. Khi bệnh phát triển nhiều trên thân cá xuất hiện những đám bông màu trắng. Cá có cảm giác ngứa ngáy, thân cá gầy, đen sẫm. Nấm ngày càng phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập làm bệnh nặng thêm.

– Cách phòng bệnh: tạo điều kiện sống thuận lợi cho cá, nhất là vào những lúc trời lạnh, giữ môi trường ao nuôi sạch, không để cá bị suy dinh dưỡng (thiếu ăn), không nuôi mật độ quá dầy hoặc làm cá bị xây xát.

– Trị bệnh: Dùng thuốc tím (KMnO4) tạt xuống ao liều 3 – 5g/m3 nước, hoặc dùng dung dịch muối ăn 3g/lít nước tắm cá trong 15 phút.

Điểm cần lưu ý khi nuôi cá bống tượng , Nguồn: Th.s Lâm Phúc Nhân – Chi cục Thủy sản Cần Thơ.

LÂM PHÚC NHÂN

Tổng Ban Biên Tập

You may also like...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *