TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC THANH TRA, KIỂM TRA HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC THỦY SẢN TRÊN SÔNG HẬU VÀ SÔNG CẦN THƠ

        Thực hiện Kế hoạch số 993/KH-CCTS ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chi cục Thủy sản thành phố Cấn Thơ về công tác thanh tra lĩnh vực thủy sản năm 2022. Nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn thành phố Cần Thơ, đơn vị thực hiện theo quy định trong Chỉ thị 01/1998/CT-TTg ngày 02 tháng 01 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản; Chỉ thị 19/2014/CT-TTg  ngày 30 tháng 7 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Chỉ thị 01/1998/CT-TTg ngày 02 tháng 01 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản và tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong thời gian tới.

Hình ảnh: Đoàn kiểm tra phương tiện khai thác thủy sản trên Sông Hậu

         Chi cục Thủy sản thành phố Cần Thơ phối hợp với Liên Trạm thủy sản quận, huyện cùng Công an quận Cái Răng, Thốt Nốt tiến hành 03 cuộc thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác thủy sản trên Sông Hậu và Sông Cần Thơ qua địa bàn hai quận Cái Răng, Thốt Nốt.

          Đoàn đã kiểm tra 07 phương tiện khai thác thủy sản, đồng thời vận động, tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng điện trong khai thác thủy sản, qua vận động đã có 03 trường hợp tự nguyện giao nộp dynamo; 04 trường hợp tự nguyện giao nộp bộ công cụ kích điện và thực hiện 07 tờ cam kết không tàng trữ, sử dụng điện để khai thác thủy sản.

          Ngày 18 tháng 01 năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư số 01/2022/TT-BNNPTNT sửa đổi, bổ sung một số Thông tư lĩnh vực thủy sản, có hiệu lực từ ngày 04 tháng 3 năm 2022. Trong đó nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản cụ thể như sau: Đối với nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản (vùng nội địa) bao gồm: nghề lưới kéo (trừ lưới kéo moi/ruốc); nghề lồng xếp (lờ dây, bát quái, dớn, lừ); các nghề (đáy; xăm; chấn; xiệp; xịch; te, xẻo kết hợp với tàu có gắn động cơ); nghề cào đáy bằng khung sắt có kết hợp với tàu, máy kéo, bơm thổi (cào lươn, cào nhuyễn thể, banh lông). Riêng nghề lưới kéo; nghề chấn; nghề te, xẻo kết hợp với tàu có gắn động cơ; nghề cào đáy bằng khung sắt có kết hợp với tàu có gắn động cơ (cào lươn, cào nhuyễn thể, banh lông) cấm hoạt động từ ngày 01 tháng 01 năm 2023. Với các nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản thì chế tài xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Nghị định số 42/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

        Tuy nhiên, mỗi người dân cần nhận thức rõ hơn những tác hại từ việc sử dụng xung điện, kích điện và không sử dụng ngư cụ cấm này để khai thác thủy sản nhằm bảo vệ, phát triển nguồn thủy sản tự nhiên và bảo vệ tính mạng của chính mình. Có như vậy môi trường nước tự nhiên mới được bảo vệ, nguồn lợi thủy sản trên địa bàn mới được bảo tồn và khai thác hiệu quả.

         Trong thời gian tới, ngoài việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra Chi cục Thủy sản còn chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật cho các đối tượng hoạt động khai thác thủy sản trên địa bàn thành phố Cần Thơ để thực hiện theo quy định của pháp luật./.

Lê Văn Hảo – Bộ phận Thanh tra, pháp chế

You may also like...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *