Cá Heo xanh đuôi đỏ (Botia modesta Bleeker, 1865) đối tượng thủy sản tiềm năng

Mấy năm gần đây, cá heo trở thành loài thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao, chất lượng thịt thơm ngon, có tiềm năng triển vọng lớn cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Khi bắt lên khỏi mặt nước cá kêu nghe “éc éc” nên người dân mới gọi là cá heo. Cá có tên khoa học là Botia modesta (Bleeker, 1865). Cá có kích cỡ từ 4 – 10 cm, cá trưởng thành có trọng lượng bình quân từ 30 – 50g/con. Cá có đầu nhỏ, dẹp bên, phía dưới trước mắt có 1 gai nhọn cứng để tự vệ, cá nhỏ có 5 – 7 vạch đen vắt ngang thân, cá lớn các vạch này biến mất chỉ cón 1 sọc trên gốc vi đuôi, thân có màu xám xanh, vùng quanh mắt có màu vàng cam, các vi màu đỏ cam.

– Phân bố chủ yếu ở sông Mekong, Chaophraya, Maeklong, Thái Lan. Đây là loài cá bản địa nước ngọt quen thuộc với người dân vùng Đồng bằng sông cửu long được chế biến thành nhiều món ăn đặc trưng của vùng miền tây sông nước như: cá heo kho tộ, nướng muối ớt, nấu lẩu cơm mẻ,… Bên cạnh giá trị cao về mặt chất lượng thương phẩm, cá Heo còn có mình màu xanh nhạt, vây màu đỏ cam rất đẹp nên được đưa vào nuôi cảnh và đây là loài cá cảnh phổ biến ở Thái Lan.

– Thấy được tiềm năng kinh tế lớn từ con cá heo, người dân ở vùng An Phú, Châu Đốc, An Giang đã mạnh dạn đưa cá heo vào nuôi bè từ năm 2010. Tuy nhiên, thời gian đầu đưa vào nuôi con giống chủ yếu được thu gom từ tự nhiên trên sông Tiền và sông Hậu nên việc phát triển nghề nuôi còn gặp nhiều khó khăn do chưa chủ động được con giống. Để khắc phục tình trạng đó, thời gian qua từ tháng 5/2010 đến tháng 12/2013, Trường Đại học Cần Thơ đã nghiên cứu thành công quy trình sản xuất giống và ương nuôi cá heo để ổn định sản xuất, cung cấp con giống cho người nuôi. Ngày 15/04/2014, PGs. Ts. Dương Nhựt Long, Trưởng BM KTN Thủy sản nước ngọt – Khoa Thủy Sản – ĐHCT, chủ nhiệm đề tài, đã báo cáo nghiệm thu thành công đề tài “Nghiên cứu kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo cá heo (Botia modesta bleeker, 1865) ở tỉnh An Giang”. Đề tài do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang chủ quản và cơ quan phối hợp là Trung tâm giống thủy sản An Giang.

– Cá heo được cho sinh sản nhân tạo như sau: Cá heo bố mẹ đạt kích cỡ 30 – 40g/con thì được nuôi vỗ thành thục sinh dục sau 4 – 5 tháng nuôi, khi cá thành thục tốt tiến hành cho sinh sản nhân tạo bằng cách tác động hormone kích thích cá sinh sản. Cá được tiêm hormone (100 μg LHRHa và 5 mg DOM)/kg cá cái, cá đực tiêm liều bằng ½ liều tiêm cá cái. Sức sinh sản tương đối 70.833 trứng/kg cá cái, sức sinh sản tuyệt đối 2.793 trứng/cá thể cái. Sau khi tiêm 6 – 7 giờ cá rụng trứng, tiến hành vuốt trứng, vuốt tinh và thụ tinh cho trứng, trứng được đưa vào khay ấp sau 7 giờ trứng nỡ. Cá bột mới nỡ có kích thước rất nhỏ (1,66mm), sau 46 giờ cá hết noãn hoàng thì tiến hành đưa cá ra bể ương.

– Cá bột được ương trên bể mật độ 2.000 cá bột/m2, tuần đầu tiên cho ăn tảo và luân trùng, tuần tiếp theo cho cá ăn trứng nước, 1 tháng tiếp theo cho cá ăn trùng chỉ kết hợp với cá tạp xay. Thu cá hương sau 45 ngày, cá hương đạt kích cỡ 3,3cm, tỷ lệ sống khoảng 15 – 20%. Tiếp tục ương cá hương lên cá giống, khi đạt kích cỡ cá giống thì chuyển cá giống ra bè nuôi. Như vậy, kết quả nghiên cứu sản xuất giống thành công chủ động tạo ra con giống, cung cấp cho các mô hình ương và nuôi thương phẩm, góp phần đa dạng hóa đối tượng cùng mô hình nuôi cho người dân.

– Hiện nay, cá heo chủ yếu được thả nuôi bè (3m x 5m x 2m), cá heo giống có kích cỡ bình quân 150 – 180con/kg, giá cá giống khoảng 55.000đ/kg được thả nuôi bè với mật độ khoảng 1.000 – 1.500 con/m3. Cá được cho ăn cá tạp xay trộn với cám hoặc thức ăn công nghiệp. Sau khi nuôi khoảng 10 tháng đạt trọng lượng từ 30 con/kg thì xuất bán, năng suất bình quân từ 600 – 700kg/bè, giá bán từ 280.000 – 300.000 đồng/kg, giá nhà hàng bán ra khoảng 450.000 – 500.000 đồng/kg… Bình quân mỗi bè, sau khi trừ hết các chi phí thức ăn, con giống lợi nhuận từ 100 – 150 triệu đồng/bè. Nghề nuôi cá heo mang lại lợi nhuận kinh tế cao, do đó đây được xem là đối tượng kinh tế tiềm năng đang được đẩy mạnh phát triển ở vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long.

Cá heo xanh  đuôi đỏ đối tượng thủy sản tiềm năng, Nguồn: Phòng Nuôi trồng Thủy sản – CCTS Cần Thơ.

LÂM PHÚC NHÂN

Tổng Ban Biên Tập

You may also like...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *