HỘI NGHỊ TỔNG KẾT NGÀNH HÀNG CÁ TRA NĂM 2023 VÀ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2024

        Sáng ngày 15/12/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị “Tổng kết ngành hàng cá tra năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024”. Hội nghị tổ chức tại tỉnh An Giang với sự tham dự của hơn 110 đại biểu. Thành phần tham dự Hội nghị bao gồm: Thứ trưởng Bộ NN&PTNT – Phùng Đức Tiến chủ trì Hội nghị, Ông Lê Văn Phước – Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, đại diện lãnh đạo Cục Thú Y, Cục Thủy sản, Sở NN&PTNT các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, Viện Nghiên cứu NTTS II, Hiệp hội VASEP, Đại học Cần Thơ, IDH, Hiệp hội cá tra Việt Nam, các doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản,….

Hình: Hội nghị chuyên đề

Tại Hội nghị, đại diện Cục Thủy sản trình bày “Kết quả sản xuất, tiêu thụ cá tra năm 2023 và định hướng phát triển năm 2024”. Ngoài ra đại diện Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường trình bày “Kết quả, nhiệm vụ và giải pháp kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm, phát triển thị trường sản phẩm cá tra”. Đồng thời, đại diện Cục Thú y trình bày “Công tác phòng, chống dịch bệnh và giám sát dịch bệnh trên cá tra năm 2023, kế hoạch 2024”. Thêm vào đó, đại diện Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II trình bày “Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp cải thiện chất lượng giống, thức ăn cá tra trong bối cảnh biến đổi khí hậu, giá thành sản xuất cao”.

         Dự báo, sản lượng cá tra năm 2024 tăng 2,8% so năm 2023; sản lượng thu hoạch trong quý I và II/2024 vẫn đáp ứng đủ nhu cầu cho chế biến, xuất khẩu.

        Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, để đạt được mục tiêu sản lượng cá tra nuôi thương phẩm đạt 1,7 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2024, các địa phương vùng ĐBSCL, nhất là 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp cùng các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra cần tập trung nâng cao chất lượng cá tra giống; đẩy nhanh tiến độ triển khai các đề án, nhiệm vụ nghiên cứu về chọn tạo các tính trạng (khả năng kháng bệnh, tỷ lệ fillet, mùi vị sản phẩm, tỷ lệ đạm, mỡ trong sản phẩm, khả năng chịu mặn…) theo nhu cầu thị trường; áp dụng công nghệ vaccine phòng bệnh, di truyền phân tử…, để nâng cao chất lượng giống cá tra. 

       Cùng với đó, khuyến khích xây dựng chuỗi liên kết từ khâu cung ứng giống, nuôi cá tra thương phẩm đến chế biến, xuất khẩu; cắt giảm chi phí sản xuất để tăng tính cạnh tranh; cùng có trách nhiệm trong việc giám sát, theo dõi quá trình thực hiện sản xuất; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử đối với chuỗi xuất khẩu – nhà máy chế biến – cơ sở nuôi, ao nuôi đã được cấp mã số nhằm minh bạch thông tin. Các doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu, phát triển các sản phẩm chế biến sâu, sản phẩm có giá trị gia tăng, đa dạng hóa sản phẩm theo các phân khúc thị trường khác nhau, đặc biệt quan tâm sản phẩm chế biến sẵn…, để nâng cao giá trị từ cá tra.

          Cùng với mở rộng thị trường xuất khẩu, thực hiện các quy định về chứng nhận cho sản phẩm cá tra theo yêu cầu của các thị trường quốc gia Hồi giáo (Halal), các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cá tra cần quan tâm mở rộng thị trường trong nước, hướng tới các bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp, trường học; mở rộng thị trường.

       Kết thúc buổi hội nghị Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT và các hiệp hội ngành hàng cần chủ động, kịp thời phối hợp cơ quan thẩm quyền các quốc gia nhập khẩu và các đơn vị liên quan để xử lý các rào cản kỹ thuật; tiếp tục quan tâm, kết nối, phát triển thị trường cho sản phẩm cá tra, nhất là khối thị trường Hồi giáo và thị trường Trung Quốc; thường xuyên cập nhật thông tin về yêu cầu và diễn biến thị trường, kịp thời tham mưu, chia sẻ thông tin với các đơn vị có liên quan, kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra trong thời gian tới../.

Bùi Thị Diễm My 

You may also like...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *