Đặc điểm sinh học cá Trắm Cỏ Ctenopharyngodon idellus

1. Hệ thống phân loại cá Trắm cỏ
Bộ cá Chép: Cypriniformes

Họ cá Chép: Cyprinidae

Phân họ cá Trắm: Leuciscinae

Giống cá Trắm Cỏ: Ctenopharyngodon

Loài Trắm Cỏ: Ctenopharyngodon idellus (Cuvier & Valenciennes, 1844).

2. Sinh lý tiêu hóa của cá Trắm Cỏ
a) Cấu tạo bộ máy tiêu hoá của cá:
– Bộ máy tiêu hoá của cá Trắm Cỏ gồm 4 phần: phần đầu, phần ruột trước, ruột giữa và ruột sau. Cá Trắm Cỏ là loài ăn thực vật nên không có răng hàm, tầng sừng ở miệng rất phát triển. Răng hầu dẹp bên và có dạng hình lược gồm hai hàng theo công thức răng: 2.5 – 4.2 hoặc 2.4 – 4.2 hoặc 2.3 – 5.2. Răng hầu làm nhiệm vụ nghiền thức ăn trước khi đưa xuống ruột, (Nguyễn Văn Hảo và Ngô Sỹ Vân, 2001).

– Ruột trước gồm thực quản và một đoạn ruột bắt đầu từ cuối ống thực quản kéo đến cửa ống dẫn mật. Thực quản của cá Trắm Cỏ ngắn, có thành dày. Cấu tạo thành thực quản gồm 3 lớp: trong cùng là lớp màng nhầy (mucous), giữa là lớp cơ, ngoài cùng là lớp màng quánh (Serous) cấu tạo bởi mô liên kết. Trong lớp màng nhầy có chứa các mầm vị giác có tác dụng nhận mùi vị thức ăn và cảm nhận môi trường. Thực quản có nhiệm vụ là đẩy thức ăn xuống ruột. Ruột giữa là đoạn ruột từ sau van hạ vị đến đầu đoạn ruột sau. Ruột sau gồm kết tràng và lỗ hậu môn. Ruột cá Trắm Cỏ tương đối dài, có kích thước bằng 1,9 – 2,5 lần chiều dài thân, có cấu tạo giống với thực quản cũng gồm 3 lớp: lớp màng nhầy, lớp cơ và lớp màng quánh. Lớp màng nhầy có nhiều nếp gấp ngang, dọc làm tăng diện tích bề mặt hấp thu thức ăn. (Nguyễn Văn Hảo và Ngô Sỹ Vân, 2001).

b) Cấu tạo tuyến tiêu hoá:
Ở cá nói chung và cá Trắm Cỏ nói riêng có 2 tuyến tiêu hoá chính đó là tuyến gan và tuyến tụy:
– Tuyến gan có màu vàng tươi hoặc vàng sẫm. Gan phân thuỳ bám vào thành ruột. Gan tiết ra dịch mật chứa trong túi mật. Túi mật có một ống nhỏ đổ vào ruột non (ruột giữa). Dịch mật có tính axid (pH = 5,4), kích thích enzym lipaza hoạt động mạnh đồng thời kích thích sự hoạt động của ruột.

– Tuyến tụy có dạng phân tán thành nhiều ống nhỏ bám trên thành ruột. Chủ yếu là ở trong và ngoài gan do đó thường gọi là gan tụy. Các ống nhỏ của tụy tập chung vào ống lớn, ống này nằm sát với ống mật và đổ vào ruột non qua 1 lỗ sát với ống mật. Tuyến tụy tiết ra các enzym tiêu hoá như: amylaza, proteaza, lipaza, maltaza…

c) Một số men chính trong hệ tiêu hoá của cá Trắm Cỏ:
– Men tiêu hoá protein: nhóm men phân giải protein chính gồm có pepsine, trypsine và chymotripsin. Tuy nhiên ở cá trắm cỏ không có men pepsine, protein được tiêu hoá bởi men trypsine và chymotripsine. Trypsine là men phân giải các protein hỗn hợp, men này do tuyến tụy tiết ra. Tiền thân của nó là trypsinogene được hoạt hoá bởi enterokinazase của ruột. Đối với cá trắm cỏ thì trypsine là men chủ yếu phân giải protein. Trypsine ở đoạn ruột trước nhiều hơn đoạn ruột sau.

– Men tiêu hoá lipid: lipaza được tìm thấy ở tụy, manh tràng và ruột trước. Lipaza phân giải triglyceride thành glycerol và các axid béo. Các yếu tố kích thích hoạt lực của lipaza bao gồm Ca2 +, peptidase và quan trọng nhất là các muối mật, những muối này có tác dụng như một chất tẩy gia làm tăng diện tích tiếp xúc của những chất béo, từ đó làm tăng gia lực lipaza.

– Men tiêu hoá carbohydrate: carbohydrate gồm nhiều thành phần khác nhau nhưng đối với cá Trắm Cỏ thì tinh bột, dextrin và cellulose là được sử dụng phổ biến. Tinh bột được tiêu hoá bởi men amylase tạo thành dextrin, maltose và glucose. Dextrin tiếp tục được thuỷ phân bởi amylopectin tạo thành maltose và glucose. Sau khi được tiêu hoá, các đường đơn như: glucose, fructose, galactose, maltose… được hấp thu qua thành ống tiêu hoá vào máu và vận chuyển đến gan. Tỉ lệ tinh bột sử dụng tối đa trong thức ăn cho cá Trắm cỏ từ 37 – 67% (Guillaume et al., 2001).

tao ao nuoi tom

– Cá Trắm Cỏ là loài ăn thực vật, do vậy lượng cellulose đưa vào cơ thể là rất lớn. Ở đa số các loài cá không có hệ thống men phân giải cellulose hoặc hoạt tính enzym celluloase trong đường tiêu hoá hoạt động rất yếu. Cellulose được tiêu hoá chủ yếu do hệ vi khuẩn đường ruột.

d) Quá trình tiêu hoá thức ăn ở cá Trắm Cỏ:
Quá trình tiêu hoá thức ăn được chia ra làm 2 giai đoạn: tiêu hoá cơ học và tiêu hoá hoá học:
– Quá trình tiêu hoá cơ học: bắt đầu từ lúc thức ăn được đưa vào trong khoang miệng. Thức ăn của cá Trắm cỏ chủ yếu là các loại thực vật, sau khi thức ăn đưa vào miệng thức ăn được nhào trộn và nghiền nhỏ bởi răng hầu có dạng hình lược. Tiếp sau đó thức ăn được đẩy xuống ruột qua thực quản và bắt đầu quá trình tiêu hoá hoá học.

– Quá trình tiêu hoá hoá học: khi thức ăn tới phần ruột trước sẽ kích thích ruột tiết ra men tiêu hoá và tiêu hoá một phần thức ăn. Quá trình tiêu hoá hoá học diễn ra chủ yếu ở ruột giữa (ruột non), tại đây thức ăn tiếp tục được tiêu hoá bởi các dịch từ tuyến gan và tụy qua ống dẫn đổ vào ruột. Thức ăn của cá Trắm cỏ thường có hàm lượng cellulose rất lớn nhưng hệ thống phân giải cellulose rất kém. Cellulose được tiêu hoá bởi các vi sinh vật đường ruột và các vi sinh vật bám sẵn trên thức ăn ăn vào. Chất dinh dưỡng được hấp thu qua thành ruột vào máu và đi nuôi cơ thể. Chất cặn bã thừa được hấp thụ triệt để tại ruột sau rồi thải ra ngoài qua lỗ hậu môn.

3. Đặc điểm dinh dưỡng cá Trắm Cỏ
– Sau khi nở 3 ngày (chiều dài thân khoảng 7 mm), cá Trắm cỏ ăn luân trùng, ấu trùng côn trùng và tảo. Khi cá chiều dài thân đạt 2 – 3 cm, chúng bắt đầu ăn một ít mầm non thực vật, tỉ lệ luân trùng trong khẩu phần ăn của chúng giảm dần nhưng loài giáp xác phù du vẫn chiếm chủ yếu. Cá dài 3 – 10 cm có thể nghiền nát thực vật thượng đẳng và chuyển sang ăn thực vật thuỷ sinh non, thực vật bậc cao, nhất là cỏ. Thức ăn chính của cá chủ yếu là thực vật thượng đẳng như các loại rong mái chèo, rong đuôi chó, rong tôm, bèo tấm, bèo hoa dâu và các loại rau cỏ trên cạn. Ngoài ra, cá Trắm Cỏ còn ăn cả các loại lá như: lá tre, lá sắn, lá chuối… Sức tiêu thụ của cá rất lớn 22,1 – 27,8% khối lượng cá trong ngày. Trung bình cứ 40 kg thực vật tươi sẽ cho tăng trọng 1 kg cá.

– Cá Trắm Cỏ nuôi trong ao ngoài ăn cỏ chúng còn được cung cấp thức ăn tinh như cám gạo, ngô, sắn… Chúng cũng sử dụng tốt thức ăn nhân tạo, nhưng nếu sử dụng nhiều tinh bột trong khẩu phần thì cá sẽ bị béo và chậm lớn. Nhìn chung, cá tương đối phàm ăn và tính lựa chọn thức ăn không cao (Trần Thị Thanh Hiền, 2009).

4. Đặc điểm sinh trưởng
Cá Trắm Cỏ có kích cỡ lớn, nặng nhất đạt tới 35 – 40 kg, cỡ thương phẩm trung bình là 3 – 5 kg/con. So với các loài cá khác có cùng kích thước thì trong điều kiện tối ưu, cá Trắm Cỏ sinh trưởng nhanh hơn. Cá nuôi trong ao sau 1 năm đầu đạt 1 kg và các năm sau đó đạt 2 – 3 kg ở vùng ôn đới, hay 4 – 5 kg ở vùng nhiệt đới.

5. Đặc điểm sinh hóa thịt cá Trắm Cỏ
Thành phần hoá học của thịt cá Trắm Cỏ tính theo phần trăm khối lượng tươi gồm có 74% nước, 17,4% protein, 5,8% lipid, 1,5% khoáng, 1,3% còn lại là vitamin, các muối khoáng và một số chất khác (Weerd et al.,1993).

Đặc điểm sinh học cá Trắm Cỏ Ctenopharygodon idellus, Nguồn: Bùi Minh Khuê – Luận văn Thạc sỹ – ĐH Nông nghiệp Hà Nội.

LÂM PHÚC NHÂN

Tổng Ban Biên Tập

You may also like...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *